Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp

Cập nhật: 28-09-2021 | 08:05:14

Với chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn”, Ngày Tránh thai Thế giới năm 2021 hướng tới mục tiêu nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản (SKSS).

 Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

 Đẩy mạnh tuyên truyền

Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), cho biết Ngày Tránh thai Thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai; đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ người ngoại tỉnh đông, đa số trong độ tuổi sinh đẻ. Hiện nay, tỷ lệ dân số trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) trên địa bàn tỉnh chiếm 67,5% tổng dân số. Do đó nhu cầu về chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình rất lớn. Theo số liệu thống kê, năm 2020, tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai của tỉnh đạt 71%, trong đó sử dụng phương tiện tránh thai hiện đại đạt 67,3%.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, điều quan trọng nhất trong thời điểm này là mọi người chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế tối đa việc lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới năm nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện qua hệ thống phát thanh và thông qua các loại hình truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok, YouTube đã được Tổng cục DS-KHHGĐ hướng dẫn. Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ đã hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tập trung truyền thông vào các nội dung, như: Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng; truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai, vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai tại Việt Nam, về chăm sóc SKSS, các biện pháp tránh thai an toàn.

Hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn

Trong thực tế, tình trạng mang thai ngoài ý muốn không chỉ gặp ở các bạn trẻ chưa lập gia đình mà còn xảy ra rất nhiều ở những cặp vợ chồng không có kế hoạch tốt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo bác sĩ Thấm, lý do lớn nhất cho việc mang thai ngoài ý muốn không phải là biện pháp tránh thai không hiệu quả mà đến từ việc không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Tuy nhiên, nếu mọi người sử dụng biện pháp tránh thai sai, thì cơ hội mang thai cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, một số chị em không thường xuyên sử dụng biện pháp tránh thai, chính bản thân họ không thích dùng hoặc thậm chí có thể chồng hoặc bạn tình của họ không muốn họ sử dụng nó. Nhiều cặp nam nữ không chắc là bản thân họ có muốn có con hay không nhưng không hề có biện pháp nào để chủ động tránh thai. Cuối cùng, họ có thai trong sự bối rối, ngập ngừng. Do đó, nếu bạn vẫn có kinh nguyệt nhưng không đều đặn, bạn không muốn có thai ngoài ý muốn thì nên sử dụng biện pháp tránh thai.

Để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, một số biện pháp ngăn ngừa đã được ngành DS-KHHGĐ đưa ra như: Tạo điều kiện cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thanh thiếu niên và các cặp vợ chồng tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ, cũng như tăng cường tuyên truyền tác hại về sức khỏe khi mang thai và phá thai ngoài ý muốn; tư vấn các biện pháp tránh thai cho cả nam giới và nữ giới; cải thiện dịch vụ KHHGĐ, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tránh thai. Bác sĩ Thấm khẳng định, tránh thai không an toàn là việc làm không ai khuyến khích vì ít nhiều thì nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của phụ nữ. Những trường hợp “trót lỡ” thì cần được xử lý một cách an toàn.

Mang thai ngoài ý muốn có liên quan đến việc tăng nguy cơ các vấn đề cho mẹ và bé. Nếu người mẹ không có kế hoạch mang thai, cô ấy có thể có những hành vi không lành mạnh hoặc trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Do đó, theo lời khuyên của người đứng đầu Chi cục DS-KHHGĐ, điều quan trọng đối với tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là thực hiện lối sống lành mạnh, hãy chủ động lựa chọn một phương pháp tránh thai phù hợp để bảo vệ mình và tránh mang thai ngoài ý muốn khi chưa có kế hoạch sinh con.

 Trong thực tế, việc tránh thai không đúng phương pháp, thực hiện ở những địa chỉ lén lút không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật… đã gây ra các biến chứng nặng nề như: Nhau không bong, sót nhau, màng nhau… Tình trạng này bắt buộc phải can thiệp bằng biện pháp nạo buồng tử cung và làm tăng nguy cơ gây sang chấn đường sinh dục, gây đau và viêm nhiễm có thể dẫn đến vô sinh.

 CẨM LÝ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên