Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những mục tiêu, động lực để phát triển, góp phần giữ vững sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xuất hiện nhiều mô hình hay trong thực hiện CĐS, góp phần mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Dĩ An hỗ trợ giải quyết TTHC lưu động cho người dân. Ảnh: HỒ VĂN
Nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong CĐS, xã Phú An (TP.Bến Cát) đã chọn ấp Phú Thứ là 1 trong 5 ấp trên địa bàn để thực hiện mô hình ấp thông minh và ấp điểm về CĐS.
Theo đánh giá, qua thời gian triển khai thực hiện, nhận thức của người dân về CĐS nói chung và tỷ lệ nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến thủ tục hành chính (TTHC) khi có nhu cầu của người dân đã tăng lên đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết UBND xã đã đẩy mạnh công tác CĐS tại địa phương thông qua các lớp tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các kỹ năng về CĐS cho tổ công nghệ số cộng đồng và người dân.
Qua thống kê hiện dân số trên địa bàn ấp PhúThứ là 4.626 nhân khẩu, tỷ lệ người dân của ấp sử dụng điện thoại thông minh là 3.172/3.533 người (đạt 89,78%). Trong đó, số người được hướng dẫn tập huấn kỹ năng cài đặt, sử dụng các phần mềm nền tảng số, hỗ trợ việc tìm kiếm, tra cứu, trao đổi thông tin đạt 67,48%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu đạt 67,48%.
Trong khi đó, bàBùi ThịKim Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Dĩ An, cho biết từ tháng 8-2024, TP.Dĩ An đã huy động lực lượng làm ngoài giờ hành chính với tần suất mỗi tháng 1 lần vào cuối tuần tại văn phòng ban điều hành các khu phố, các khu chung cư trên địa bàn thành phố để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong công tác CĐS.
Sau 2 tháng triển khi thực hiện, trung tâm đã hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp tại Văn phòng Ban Điều hành khu phố Tân Phú 2 (phường Tân Bình) và chung cư Tân Hòa (phường Đông Hòa). Nhiều cư dân ở chung cư Tân Hòa phấn khởi khi Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Dĩ An tổ chức mô hình “Hành chính công lưu động” hỗ trợ giải quyết TTHC.
Đã có hơn 100 người dân được hỗ trợ các thủ tục như lưu trú, làm giấy phép kinh doanh, làm số nhà, giấy phép xây dựng, lý lịch tư pháp… Ngoài việc hỗ trợ người dân làm hồ sơ trực tuyến ngay tại nơi ở, cán bộ trung tâm còn tuyên truyền đến nhân dân các nội dung như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương.
Cùng với đó, trung tâm còn phối hợp các nhà mạng hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng chữ ký số, thanh toán không dùng tiền mặt. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện mô hình “Hành chính công lưu động” đạt được những hiệu quả tích cực, đáp ứng sự mong đợi của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cập nhật kiến thức, quy định pháp luật của Nhà nước; đồng thời được hướng dẫn và thực hiện TTHC tại địa phương nơi người dân cư trú.
Ứng dụng CĐS vào sản xuất nông nghiệp Sau khi được tuyên truyền về ứng dụng CĐS vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao kỹ năng quản lý, ông Lý Quốc An (ngụ xã Phú An, TP.Bến Cát) đã mạnh dạn hưởng ứng với mô hình trồng rau thủy canh có diện tích hơn 1.300m2. Mô hình được đầu tư xây dựng nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tuần hoàn, hệ thống làm mát giảm nhiệt độ trong nhà kính như hệ thống cách nắng tự động và hệ thống quạt hơi nước, phun sương tự động để giảm nhiệt độ trong nhà kính, sử dụng quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm rau sạch của vườn nhà ông An đã được UBND TP.Bến Cát công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2023. |
MINH HIẾU