Nhờ được đối thoại, được hòa giải viên giải thích cặn kẽ về mặt pháp lý, bà X. và ông L. đã hiểu rõ bản chất vấn đề và tìm đến sự thống nhất để bảo đảm quyền lợi của đôi bên. Hai bên đương sự thay vì mâu thuẫn, tranh chấp với nhau tại phiên xét xử của Tòa án Nhân dân (TAND) thì nay đã có thể vui vẻ, hòa thuận ra về khi tìm thấy tiếng nói chung.
Ông L.H.L. (SN 1956; ngụ TP.Thủ Dầu Một) sinh sống với bà N.T.X. ( 1956) như vợ chồng từ năm 1980 nhưng mãi đến năm 2011 mới thực hiện đăng ký kết hôn tại UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một.
Trước đó, năm 2005, ông L. được cha mẹ cho tặng lô đất tọa lạc tại phường Phú Thọ và được UBND TP.Thủ Dầu Một cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 15-2-2006. Đến ngày 27-10-2018, ông L. có tiến hành nhận cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất lô đất này cho ông V.V.T.
Trong quá trình làm thủ tục xin xác nhận tình trạng bất động sản tại UBND phường Phú Thọ thì được biết bà X., vợ ông L. có đơn yêu cầu ngăn chặn việc giao dịch của chồng nên ông L. không thực hiện việc xác nhận bất động sản được.
Bức xúc vì cho rằng tài sản trên là của riêng mình nhưng lại bị vợ cản trở việc chuyển nhượng nên ông L. đã gửi đơn khởi kiện bà X. đến TAND TP.Thủ Dầu Một. Tháng 3-2019, Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TP.Thủ Dầu Một tiến hành phiên hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về tranh chấp dân sự trên.
Sau khi nhận được hồ sơ khởi kiện về việc “tranh chấp quyền sở hữu tài sản”, hòa giải viên Châu Thị Nga được phân công phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ tư liệu, hồ sơ để tiến hành hòa giải, đối thoại với các đương sự. Tại phiên hòa giải, hòa giải viên đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bên đương sự.
Được sự động viên của hòa giải viên, bà X. cũng chia sẻ “tâm sự” của mình. Theo đó, bà và ông L. sống với như vợ chồng khoảng 40 năm nay. Năm 2006, bố chồng bà, tức là cha ruột ông L. đã nói với 5 người con ruột, trong đó có ông L. rằng phía trước phần đất các con ở có một cái ao lớn, các con tiến hành lấp ao thì sẽ được cha cho phần đất đó. Vì nghĩ tình nghĩa vợ chồng nên bà X. đã vay tiền mua đất lấp ao. Khi lấp xong ao, bố chồng bà đã chia phần đất này thành 5 phần đất cho 5 người con; trong đó có lô đất cho ông L. như đã đề cập.
Bà X. cho rằng việc mình vay mượn 13 triệu đồng mua đất lấp ao cũng như việc bao nhiêu năm qua có công sức quản lý, giữ gìn diện tích đất này nên việc ông L. muốn chuyển nhượng mà không nghĩ đến công sức của vợ là không hợp lý. Chính vì vậy, bà X. đã gửi đơn đề nghị ngăn chặn giao dịch mua bán của ông L.
Xét thấy mâu thuẫn hai bên không đến mức trầm trọng, sau khi lắng nghe suy nghĩ của các đương sự, hòa giải viên đã phân tích pháp lý liên quan vấn đề tranh chấp cho các bên thấu hiểu. Được sự phân tích, giải thích của hòa giải viên, bà X. đồng ý thống nhất phần tài sản trên là tài sản riêng của ông L. trong thời kỳ hôn nhân. Bà đồng ý rút đơn ngăn chặn tại UBND phường Phú Thọ; đồng thời yêu cầu ông L. hoàn trả lại số tiền đã vay mượn lấp mặt bằng của mình là 13 triệu đồng. Phía ông L. đồng ý cho con gái ruột 287 triệu đồng; đồng thời rút đơn khởi kiện tại TAND TP.Thủ Dầu Một. Ông cũng thống nhất thanh toán lại cho bà X. số tiền đã lấp mặt bằng ao như bà yêu cầu.
TÂM TRANG