Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế

Cập nhật: 16-12-2021 | 09:28:38

Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã triển khai nhiều chương trình, mô hình giúp hội viên, phụ nữ từng bước vươn lên, nâng cao thu nhập. Nhiều chị đã khởi nghiệp và thành đạt từ sự hỗ trợ của hội.


Đoàn công tác của tỉnh tham quan mô hình trồng sen Đa Lộc của chị Nguyễn Thị Minh Tâm

Phát triển trên nhiều lĩnh vực

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, hiện nay phụ nữ chiếm 50% dân số và 49,3% lực lượng lao động. Phát huy vai trò làm chủ, tích cực, là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế, 5 năm qua, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho trên 215.000 lao động, trong đó có 106.000 lao động nữ, chiếm 49%. Chị em phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò làm chủ, năng động, sáng tạo, tự tin khởi nghiệp; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp”, “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần đưa kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.

Trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, phụ nữ đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh, diện mạo nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Nhiều chị em năng động trong tiếp cận thông tin, không ngừng sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các chị còn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng và hiệu quả cao.

Nhiều tấm gương điển hình của chị em trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, đóng góp quan trọng vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Lao động nữ còn tiếp tục giữ gìn, khôi phục và nâng cao chất lượng các ngành nghề truyền thống. Họ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng truyền thống của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Từ đó nhiều sản phẩm làm ra đã xây dựng được thương hiệu và đứng vững trên thị trường, góp phần phát triển ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Trong sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, có gần 10.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (chiếm 20%). 5 năm qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá, trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ nữ doanh nhân tỉnh, nữ công nhân, viên chức, lao động tỉnh thông qua thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Dấu ấn từ khởi nghiệp

Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, 5 năm qua, các cấp hội tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng cường kết nối, thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, của Trung ương hội, các cấp hội thực hiện công tác giảm nghèo bền vững bằng việc cụ thể với nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo; tập trung đồng bộ các nguồn lực, kết nối để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng bền vững với quan điểm “Đầu tư các nguồn lực thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng”. Hội đã tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Các ngày hội “Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” và các diễn đàn để kết nối, hỗ trợ đã hiện thực hóa 404 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật... Từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã vượt 204 chị so với chỉ tiêu đăng ký đầu nhiệm kỳ. Hội phối hợp hỗ trợ 1.405 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý được tư vấn phát triển doanh nghiệp. Các cấp hội đã vận động, hỗ trợ thành lập mới 9 hợp tác xã, 65 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động khai thác và quản lý các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được mở rộng về quy mô, chuyên nghiệp và chất lượng.

Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình có thể kể đến như Hợp tác xã (HTX) trồng sen Đa Lộc (chị Nguyễn Thị Minh Tâm, TX.Bến Cát); HTX nuôi vịt lạnh tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, do chị Phan Thị Mỹ Trang lên ý tưởng và xây dựng, phát triển trong những năm qua... Những mô hình này đã tạo được công ăn việc làm cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn cũng như tạo được phong trào khởi nghiệp với những mô hình mới ở địa phương.

Tính đến nay tổng dư nợ các nguồn vốn do các cấp Hội LHPN quản lý là trên 1.504 tỷ đồng hỗ trợ trên 32.000 phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh (tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước). Các nguồn vốn do hội quản lý đã hỗ trợ 2.128 lượt hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn số tiền 19 tỷ đồng; phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án 1956, liên kết trường dạy nghề Lê Thị Riêng (Trung ương Hội Phụ nữ phía Nam) và của tỉnh đào tạo nghề cho 2.739 chị, giới thiệu việc làm 1.617 chị, giới thiệu một số ngành nghề mà chị em có nhu cầu tìm việc 2.788 chị... đạt 89% vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1140
Quay lên trên