Hồn thiêng sông núi vọng mãi mai sau

Cập nhật: 03-09-2015 | 08:07:11

Nhân dân cả nước vừa hân hoan kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nhưng mỗi khi nghe lại bản Tuyên ngôn độc lập do Người trình bày qua các phương tiện thông tin đại chúng trong những dịp kỷ niệm, cảm xúc trong mỗi người dân Việt như vẫn mới nguyên. Tuyên ngôn độc lập - áng hùng văn của thời đại - hồn thiêng sông núi, sẽ vẫn mãi còn đó và tiếp tục vọng mãi đến mai sau.

Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử giữ nước từ khi khai quốc, nhưng có thể nói truyền thống đó được thể hiện rõ nhất và kết tinh trong ba bản tuyên ngôn là Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt năm 1077; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi năm 1428 và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945. Đây đều là những mốc son rực rỡ trên hành trình đi lên của đất nước. Nếu Nam quốc sơn hà như hồi kèn xung trận, cổ vũ tướng sĩ vượt sông đánh đuổi giặc Tống xâm lược và Bình Ngô đại cáo là tiếng gươm khua trên đầu quân thù, sang sảng khúc ca khải hoàn thắng trận, thì Tuyên ngôn độc lập là áng hùng văn của thời đại cách mạng vô sản, tuyên bố chấm dứt thời kỳ đau thương nô lệ của dân tộc, mở ra trang sử mới huy hoàng cho đất nước.

Tự hào với khí phách “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và trân trọng tư tưởng sáng ngời “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, thì chúng ta lại càng tự hào và trân trọng với tầm cao và ý nghĩa của Tuyên ngôn độc lập. Bởi đây chính là sự nối tiếp, đi lên của lịch sử dân tộc trong thời đại mới. Nếu hai bản tuyên ngôn của thời đại phong kiến chỉ mới dừng lại ở mức giải quyết được một yêu cầu là độc lập cho dân tộc, thì Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh đòi lại độc lập cho dân tộc, còn giải quyết thêm một yêu cầu nữa là dân chủ cho nhân dân. Tuyên ngôn độc lập khẳng định một sự thật chưa từng có trong lịch sử Việt Nam là đánh đổ xiềng xích thực dân để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập; đánh đổ chế độ quân chủ để lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Tuyên ngôn độc lập được mở đầu bằng một chân lý bất di bất dịch về quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng độc lập tự do, có đủ tư cách làm chủ đất nước và đã đứng lên để giành quyền tự do, độc lập ấy: “Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Mặc dù thực dân Pháp đã có những hành động tàn bạo, đê hèn nhưng nhân dân ta vẫn giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo ngay với kẻ thù đã thất thế. Một dân tộc như thế xứng đáng được hưởng tự do, độc lập và điều này đã được Người khẳng định hùng hồn khi viết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách đô hộ của Pháp hơn 80 năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Tuyên ngôn độc lập chính là tầm cao tư tưởng, tầm cao văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người đúc kết ngắn gọn, trong sáng và khúc chiết, là áng hùng văn của thời đại cách mạng vô sản. Áng hùng văn ấy như hồn thiêng sông núi gắn liền với tên tuổi người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên