Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn Bình Dương trong nhiều năm qua dù vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, nhưng bằng những hướng đi, cách làm sáng tạo, cùng sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành, chính quyền địa phương đã khẳng định được vai trò, vị trí trên đường phát triển chung của tỉnh nhà.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, thương mại đến nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó là hàng ngàn tổ hợp tác, câu lạc bộ ngành nghề…
Tất cả đã kết nối các thành viên, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tuy vốn liếng, quy mô hoạt động của các HTX, tổ hợp tác không lớn như những thành phần kinh tế khác, nhưng trong điều kiện đó, kinh tế tập thể vẫn tạo ra giá trị hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập bình quân ổn định, bảo đảm cuộc sống của các thành viên.
Hợp lực cùng nhau trong từng lĩnh vực nghề nghiệp, các thành viên HTX, tổ hợp tác có điều kiện hỗ trợ cho nhau từng vấn đề mà nếu đứng riêng lẻ đã yếu lại càng yếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tinh thần hợp tác để cùng phát triển có thể thấy rõ nhất qua các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ những cá nhân sản xuất đơn lẻ, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh yếu, không có thương hiệu. Khi họ đứng chung trong một HTX, tổ hợp tác, sản phẩm làm ra như rau sạch, hoa lan, trang trại cây ăn trái… đã dần lấy được uy tín trên thị trường, tiêu thụ tốt, giá cả ổn định.
Trong định hướng phát triển kinh tế tập thể, Bình Dương đã có kế hoạch tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển kinh tế tập thể gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời mở rộng liên doanh, liên kết, phát triển mô hình HTX theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bình Dương cũng sẽ chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình HTX điển hình.
Trong nhiều chuyến làm việc với các huyện, thị, thành phố, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể tỉnh luôn nhấn mạnh các địa phương cần xác định phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, các địa phương phải có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để đổi mới và phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo cần thực hiện nhiều chuyến đi thực tế, học tập kinh nghiệm từ những địa phương có cách làm hay để áp dụng một cách hiệu quả tại địa phương mình. Cùng với những chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có những chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tập thể tỉnh nhà phát triển hiệu quả, đúng hướng. Tin rằng, kinh tế tập thể tại Bình Dương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
TRIỆU PHONG