Hướng mở nào cho doanh nghiệp và ngân hàng?

Cập nhật: 12-07-2012 | 00:00:00

Sau hơn một tháng kể từ khi UBND tỉnh có buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp (DN) và thực hiện quyết liệt những chủ trương, chính sách của Nhà nước, một số khó khăn cơ bản của DN, trong đó có vấn đề lãi suất (LS) ngân hàng (NH) dường như đã được giải quyết, mối quan hệ giữa NH - DN cũng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề cung cầu vốn trên thị trường vẫn còn là nút thắt khi không ít DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc DN không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn NH, các NH lại phải chịu định mức tín dụng nên chắc chắn sẽ phải lựa chọn kỹ đối tượng vay 

Doanh nghiệp: Vẫn khó khăn

Trong vòng 3 tháng qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp ban hành các quyết định hạ trần LS huy động từ mức 13%/năm xuống còn 9%/năm, LS cho vay theo đó cũng giảm từ mức 15%/năm xuống còn dưới 11%/năm. Thực hiện chính sách điều hành LS này là nhằm giúp DN có thể nhanh chóng tiếp được nguồn vốn với LS thấp. Tuy nhiên tính tới thời điểm này, tỷ lệ DN được hưởng mức LS thấp còn ít. Hiệp hội Gỗ Bình Dương cho biết, khá nhiều DN thuộc hiệp hội đang vay vốn với mức LS khoảng 18%/năm, nay có hạ xuống thì vẫn còn rất cao so với hầu hết các DN vừa và nhỏ. Một DN ngành gỗ đề nghị không nêu tên ở huyện Tân Uyên, cho biết đang vay vốn NH với mức LS vay ghi trên hợp đồng là 14%/năm, nhưng để được vay phải cam kết đóng thêm các khoản phí tương đương 16%/năm. Phía NH cho vay giải thích, ngoài độ trễ của chính sách hạ LS, mỗi NH đều xây dựng cơ chế LS riêng dựa trên mức độ rủi ro của từng khách hàng, bản chất công việc kinh doanh của họ và một số yếu tố liên quan khác.

Sợ bị NH “cấm cửa”, một số DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp gỗ cao su nguyên liệu tại huyện Bến Cát cũng dè dặt cho biết, trước đây DN phải vay vốn với LS lên đến 21 - 22%/năm. Từ đầu năm 2012 đến nay, hàng không bán được, nợ NH chồng chất, DN chạy đôn đáo nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn vốn. DN cố gắng duy trì sản xuất bằng cách vay mượn bên ngoài để thanh toán nợ, thu mua nguyên liệu, trả lương công nhân, nhưng hàng thì vẫn nằm trong kho chưa biết NH sẽ đến “giải phóng” hàng tồn kho lúc nào!

Ngân hàng: Bộn bề lo lắng!

Công bằng mà nhìn nhận thì thời gian gần đây, một số NH như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV hay VPBank, SHB, Sacombank... đều đã vào cuộc tiếp sức cho DN khi tung ra những gói tín dụng từ 1.000 - 5.000 tỷ đồng với LS ưu đãi 13 - 15%/năm, điều này cho thấy thiện chí của NH trong việc tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng NH còn lạnh lùng trước khó khăn của DN, bởi nguồn vốn NH vẫn tương đối ít so với nhu cầu của DN, hơn nữa không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này, nhất là DN vừa và nhỏ.

Phó Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Thái Minh Quang, chia sẻ: “Khách hàng luôn muốn LS tiết kiệm cao, nhưng vay rẻ. Trong khi NH cũng là DN, phải hài hòa lợi ích cả 3 bên là khách hàng, cổ đông và xã hội. Nhưng khác với DN, các NH điều tiết nguồn vốn của cả nền kinh tế nên phải bảo đảm an toàn. Do đó, muốn LS giảm nhanh hay cho vay LS thấp cũng phải đúng mục đích, đối tượng và tùy vào tình hình hoạt động của từng NH”.

Một cán bộ tín dụng của NH SCB Bình Dương cho biết NH có đủ vốn và tạo mọi thuận lợi để DN được vay vốn, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện. Gần đây, qua xem xét, thẩm định khả năng tài chính của một số DN, NH nhận thấy hầu hết các DN đều không đủ điều kiện để cho vay. Ngoài ra, có nhiều lý do khác khiến NH rất khó cho vay do DN đang trong tình trạng nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao, các chỉ số an toàn trong hoạt động DN suy giảm đáng kể. “NH với vai trò là trung gian, đi vay để cho vay lại và trong bối cảnh nhiều DN có nguy cơ thua lỗ, phá sản như hiện nay thì việc thẩm định dự án để cho vay càng phải chặt chẽ hơn là điều tất nhiên. Mặc dù đã có nhiều cố gắng giúp DN vượt qua khó khăn, nhưng không một NH nào dám mạo hiểm cho vay khi DN không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bởi làm như vậy sẽ đồng nghĩa với nguy cơ mất vốn.

THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=236
Quay lên trên