Đó là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Công an tỉnh vừa ban hành. Nhiệm vụ của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm này…
Theo kế hoạch, các lực lượng chức năng liên quan chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học ngay từ cơ sở, đặc biệt là các hành vi về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; đất, đá, cát, nước, rừng, các loài nguy cấp, quý hiếm, loài ưu tiên được bảo vệ các nguồn gen quý và các loài ngoại lai; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân để thực hiện công tác này.
Các lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; tập trung lực lượng, phương tiện để điều tra, khám phá các vụ án, đường dây, tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia; chủ động nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán trái pháp luật qua biên giới động vật, thực vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm…
L.T.PHƯƠNG