Là một trong những địa phương của tỉnh có tiềm năng du lịch, huyện Phú Giáo đã và đang triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy du lịch phát triển. Các nội dung từ định hướng quy hoạch, mời chuyên gia xây dựng đề án, đến tổ chức các buổi khảo sát kết hợp tọa đàm đóng góp ý kiến kết nối xây dựng tuyến du lịch… đều được huyện quan tâm với mong muốn sẽ tạo đà cho du lịch đi lên, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Các đoàn đến tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm tại HTX Nông nghiệp Bình Dương
Quan tâm thúc đẩy
Để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, Huyện ủy, UBND huyện Phú Giáo đã chỉ đạo ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phát triển du lịch ở địa phương một cách cụ thể. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao là điều được địa phương này đặc biệt quan tâm. Qua đó, huyện đã xây dựng được “Chương trình hành động phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái của huyện Phú Giáo, giai đoạn 2016- 2020”. Đây là một hướng đi đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược lâu dài, vừa tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của huyện.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Châu Long, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết trên địa bàn huyện hiện có một số sản phẩm du lịch, như: Du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh kết hợp với các lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái, dã ngoại cuối tuần; du lịch gắn với các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tham quan trang trại, vườn cây ăn trái ven sông Bé… Trong phát triển loại hình du lịch gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng phát triển làng thông minh, huyện có nhiều trang trại, vườn cây ăn trái lớn, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao U&I ở xã An Thái; Trang trại Chiến Thắng ở xã Tam Lập; Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình; Trang trại Công ty Vinamit ở xã Phước Sang và các vườn cây ăn trái khác cũng được đầu tư khá bài bản…
Bên cạnh đó, huyện cũng có các điểm du lịch tiềm năng có thể thúc đẩy du lịch sinh thái - tâm linh phát triển, như: Suối Rạt và suối Bà Mụ ở xã An Bình; di tích cầu gãy sông Bé (cầu gãy Phước Hòa) nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa; Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên ở xã Tam Lập; Công viên tượng đài Chiến thắng Phước Thành; Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành (nay là Nhà Truyền thống huyện); chùa Bửu Phước ở xã Phước Hòa... Ngoài ra, huyện Phú Giáo đang bảo tồn và duy trì hoạt động lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Sán Chỉ ở xã Tam Lập; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer ở xã An Bình và điệu hát Then của đồng bào dân tộc Tày ở xã Phước Hòa…
Tạo điều kiện để phát triển
Với diện tích 7 ha, đường sá đi lại thuận lợi, HTX Nông nghiệp Bình Dương ở ấp Sa Dụp, xã Phước Sang đang triển khai các bước để hướng đến khai thác phát triển du lịch trong thời gian tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho hay định hướng phát triển của HTX là xây dựng theo hướng du lịch nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với nghỉ dưỡng. Hiện nay, HTX đã trồng được và cung cấp cho thị trường các loại trái cây, như: Na dứa Đài Loan, vú sữa hoàng kim, chà là Trung Đông… Thời gian qua, HTX này đã thu hút nhiều người đến tham quan, nhưng chủ yếu là tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm, chứ chưa khai thác theo hướng du lịch.
Theo ông Thuận, làm du lịch thì phải thu phí, mà thu phí thì phải có các dịch vụ đi kèm để thu hút du khách đến với mình không chỉ một lần. Vì thế, để có thể khai thác du lịch, trong khu đất 7 ha của mình, ông Thuận sẽ dành khoảng 1 ha ở giữa xây dựng khu nghỉ dưỡng để khách đến tham quan nghỉ chân và có thể lưu trú lại. Xung quanh sẽ có khu vực giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp mà HTX đang cung cấp cho thị trường. “Khách đến đây tham quan sẽ được trải nghiệm quy trình trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch các loại trái cây mà chúng tôi đang trồng, ăn uống và nghỉ lại. Chúng tôi đang phối hợp với các ngành chức năng địa phương xin giấy phép xây dựng giai đoạn 2. Dự kiến, đến năm 2025 khu sẽ hoàn thiện để đưa vào khai thác theo hướng du lịch”, ông Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Châu Long cho biết thêm thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tích cực phối hợp, hướng dẫn HTX Nông nghiệp Bình Dương các thủ tục liên quan để sớm triển khai xây dựng các hạng mục đưa vào khai thác du lịch trong thời gian tới. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao của địa phương, với những loại trái cây ngoại nhập có chất lượng cao, nếu khai thác phát triển du lịch hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách đến với địa phương hơn.
Để có chiến lược phát triển du lịch bền vững, thời gian gần đây, UBND huyện Phú Giáo đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá về hình ảnh du lịch Phú Giáo đến với du khách trong và ngoài huyện; tổ chức khảo sát khu đất phát triển khu du lịch sinh thái suối Rạt thuộc địa bàn xã An Bình và phương án thu hồi đất để đầu tư xây dựng quần thể Khu di tích cầu gãy sông Bé trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa; tiếp tục nâng cấp toàn diện hệ thống giao thông nông thôn lên một tầm mới.
Cuối tháng 6 vừa qua, huyện đã có buổi làm việc với Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undog, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh về góp ý ứng dụng kết nối các doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch theo hướng kinh tế tuần hoàn.
HỒNG THUẬN