Đưa mô hình thuyền và hình nhân thế mạng để thả trôi ra biển - nghi lễ quan trọng trong buổi lễ. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Sáng 6/4, tại đình làng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, Ban Khánh tiết đình làng An Hải tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tái hiện, khắc họa hình ảnh đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa vâng lệnh vua dong thuyền ra đo đạc thủy trình, xác lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại buổi lễ, Ban Khánh tiết đình làng An Hải cùng các đại biểu và nhân dân đã ôn lại lịch sử Đội hùng binh Hoàng Sa.
Trong "Phủ biên tạp lục," Lê Quý Đôn (lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa, 1776) đã ghi về Đội hùng binh Hoàng Sa như sau: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư mà ra biển, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy (quần đảo Hoàng Sa). Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân (Kinh thành Huế) để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về."
Sách "Hoàng Việt địa dư chí" của Phan Huy Chú, phần về phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng ghi: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hàng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân."
Tương truyền, mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây, nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển.
Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán. Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.
Theo quan niệm của nhân dân, đội Hoàng Sa khi làm nhiệm vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro, thường chỉ có đi mà không có về nên trong buổi tế, người ta làm những hình người bằng giấy hoặc bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình.
Khi tế xong, đội thuyền được đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua.
Về sau, đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ của mình, để tưởng nhớ và trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa-Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa-Trường Sa.
Tại buổi lễ, lễ cúng tế theo nghi thức cổ truyền, lễ thả thuyền tế ra biển và lễ đua thuyền tứ linh gồm 4 đội đua của xã An Hải cũng đã diễn ra./.
Theo TTXVN