Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra. Để chiến thắng dịch bệnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động nhằm chiến thắng đại dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và cuộc vận động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhiều doanh nghiệp đã và đang vào cuộc bằng những hành động cụ thể, đóng góp của cải vật chất cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.
Đoàn kết, chung sức khi Tổ quốc cần là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lịch sử ngàn đời đã chứng minh truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc thông qua các hiểm họa xâm lăng, thiên tai, dịch bệnh. Trong những ngày này, hiểm họa dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ đe dọa tính mạng của mỗi người dân trong nước thì tinh thần ấy lại bùng lên. Hình ảnh những cụ già trăm tuổi tự thân tìm đến các điểm tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch bệnh để ủy lạo số tiền tiết kiệm cho công tác phòng, chống dịch bệnh đã nói lên tinh thần đoàn kết chống dịch bệnh của dân tộc. Hàng triệu người dân thông qua tin nhắn đã ủng hộ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đồng bào cả nước, những ngày qua cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã có nhiều đóng góp cụ thể cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi doanh nghiệp mà mức đóng góp có thể nhiều hay ít, bằng tiền hay hiện vật, nhưng tất cả đều đáng quý, đáng trân trọng. Trân trọng là vì tấm lòng của doanh nghiệp đối với cộng đồng, với Tổ quốc. Quý là vì nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn đóng góp tiền của với mong muốn dịch bệnh sớm chấm dứt để doanh nghiệp có thể nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại. Mong muốn của doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh không chỉ để làm ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn để bảo đảm việc làm cho công nhân lao động, duy trì mức tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đóng góp tiền của, nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận hy sinh cả cơ hội làm ăn chỉ để sản xuất các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân Việt Nam. Có lắng nghe doanh nhân Trần Ngọc Phúc (Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Metran, doanh nghiệp chuyên sản xuất máy thở nhãn hiệu Metran nổi tiếng ở Nhật Bản), trải lòng về việc sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân Việt Nam trong đại dịch Covid-19 mới thấu hiểu được tấm lòng của doanh nghiệp đối với Tổ quốc, đối với quê hương. Do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất máy, ông Trần Ngọc Phúc đã từ chối hàng loạt đơn hàng của các nước để tập trung sản xuất đủ 15.000 máy thở phục vụ người dân Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Cũng như ông Trần Ngọc Phúc, nhiều doanh nghiệp trong nước đang sản xuất hàng may mặc đã chuyển đổi hoạt động sang sản xuất khẩu trang chỉ để phục vụ người dân chống dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng đã đồng ý để Nhà nước trưng dụng cơ sở vật chất làm nơi cách ly phòng, chống dịch bệnh… Cùng với các doanh nghiệp nói trên, còn nhiều, rất nhiều những tấm gương doanh nghiệp đã trải lòng vì cuộc chiến chống dịch bệnh trong những ngày qua. Nếu không có một tấm lòng vì cộng đồng, hướng về cộng đồng thì chắc chắn doanh nghiệp đã tính toán thiệt hơn…
LÊ QUANG