Khi người nghèo được trao “cần câu”…

Cập nhật: 04-09-2018 | 08:52:32

Bình Dương vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 với những kết quả đáng phấn khởi. Theo đó, tính tới tháng 7-2018, toàn tỉnh đã giảm được 1.850 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 0,25% trên tổng số hộ dân. Đặc biệt nếu xét theo chuẩn nghèo của Trung ương thì Bình Dương không còn hộ nghèo, đồng thời cũng cơ bản không có hộ tái nghèo. 

Kết quả trên đã phản ánh nỗ lực của các cấp các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội vì mục tiêu chung trong công tác giảm nghèo bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Người nghèo được trao “cần câu”, được tư vấn, hướng dẫn tận tình để tìm kế sinh nhai, tự vươn lên trong cuộc sống. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các tổ chức, đơn vị giải ngân cho hơn 15.800 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn ưu đãi đã giải quyết việc làm cho hơn 26.800 lao động. Bên cạnh đó là việc các cấp, các ngành đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề với hàng ngàn học viên là lao động nghèo để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình.

Nguồn lực để tiếp sức cho người nghèo vươn lên còn đến từ các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc với rất nhiều chương trình thiết thực dành cho người nghèo. Các tổ chức chính trị - xã hội, với vai trò và trách nhiệm của mình đã thành lập ra các câu lạc bộ giúp nhau thoát nghèo. Ngoài việc hỗ trợ về nguồn vốn, các hội viên có điều kiện còn tư vấn, hướng dẫn tận tình cho hội viên nghèo chuyên môn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để họ biết làm những mô hình kinh tế phù hợp nhằm thoát nghèo bền vững nhất có thể.

Hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các chính sách ưu đãi, tư vấn cách thức sản xuất, giải quyết việc làm, đồng thời triển khai các chương trình, giải pháp giảm nghèo phù hợp tại địa phương đã mang lại kết quả phấn khởi trong công tác giảm nghèo tại Bình Dương. Điều quan trọng nhất đó chính là nhận thức, là quyết tâm vươn lên của chính hộ nghèo. Mỗi khi hộ nghèo quyết tâm vượt khó, được xã hội trao cho cái “cần câu” thì mục tiêu thoát nghèo là trong tầm tay của họ.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=457
Quay lên trên