Khiếu nại có cơ sở?
Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Bình Dương, ông Công trình bày: “Hiện ông và mẹ ông đang quản lý và sử dụng hơn 13.000m2 đất tại khu phố Tân Phước, P.Tân Bình, TX.Dĩ An. Nguồn gốc khu đất này là đất lúa đã được ông nhận chuyển nhượng lại của bà Huỳnh Thị Bảo bằng giấy tay vào năm 1997. Khu đất của bà Bảo cũng đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) số 734 vào năm 1991. Năm 2004, bà Bảo có làm giấy ủy quyền để ông Công kê khai đăng ký QSDĐ các thửa đất đã chuyển nhượng cho ông. Cũng trong thời gian này, toàn bộ khu đất của ông đã bị quy hoạch để làm khu thương mại Đông Bình Dương do Công ty Cổ phần Ngoại thương & Phát triển Đầu tư TP.HCM (viết tắt là Công ty Fideco) làm chủ đầu tư. Tuy dự án này đã quy hoạch từ năm 2004, nhưng cho đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Nguyên nhân của sự chậm trễ này theo ông Công là do UBND P.Tân Bình chưa chịu ký xác nhận theo diện tích đất thực tế hiện ông đang sử dụng. Sau 10 năm, dự án Khu thương mại Đông Bình Dương vẫn còn là “cánh đồng hoang”!
Ông Công cho rằng, cách trả lời của UBND P.Tân Bình là mâu thuẫn và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông. Theo đó, phường Tân Bình cho rằng: Qua đối chiếu diện tích trên GCN QSDĐ số 734 của bà Bảo trước đây và kết quả đo đạc của Phòng Tài nguyên -Môi trường Dĩ An cho thấy diện tích của các thửa đất trong GCN QSDĐ của bà Bảo (đã ủy quyền cho ông kê khai đăng ký) có thay đổi khá lớn. Cụ thể: Tổng diện tích trong GCN QSDĐ của bà Bảo chỉ có 8.295m2 nhưng khi đo đạc lại, tổng diện tích lên tới 13.095,9m2; trong đó, thửa 1949 có diện tích 2.438,4m2 không phải là đất do bà Bảo đứng tên trong GCN QSDĐ nhưng vẫn được ông Công kê khai. Bên cạnh đó, phường còn cho rằng: Vào năm 2007, ông Công đào ao nuôi cá nên trong quá trình cải tạo mặt bằng có lấn chiếm qua nhiều thửa đất liền kề mà Công ty Fideco đã bồi thường. Từ những lý do trên, UBND phường nhận thấy: Tổng diện tích đất được bồi thường của ông là 10.657,5m2 mà không chịu xác nhận diện tích đất là 13.095,9m2 theo đo đạc thực tế…”.
Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Công bức xúc: “Việc phường nói tôi lấn chiếm các thửa đất liền kề là không có cơ sở; bởi vì khi xác minh ranh đất ở các hộ liên ranh không hề có hộ nào phát sinh tranh chấp. Hơn nữa, nếu như tôi lấn chiếm thì tại sao phường lại đồng ý xác nhận cho tôi được đền bù với diện tích 10.657,5m2. Rõ ràng ở đây là phường đã trừ phần diện tích của thửa 1949, là thửa không có trong GCN QSDĐ của bà Bảo. Chỉ cần làm phép cộng giữa diện tích mà phường đồng ý ký xác nhận (10.657,5m2) và diện tích của thửa 1949 (2.438,4m2 ) thì ra tổng diện tích đất thực tế đã được đo đạc là 13.095,9m2.
Theo ông Công thì việc phường không đồng ý xác nhận diện tích của thửa 1949 để ông được nhận tiền bồi thường là gây thiệt hại cho ông; bởi thửa đất này tuy không có trong GCN QSDĐ của bà Bảo nhưng từ khi nhận chuyển nhượng của bà Bảo cho tới nay thì ông vẫn là người quản lý, sử dụng đất này và cũng không có ai đứng ra tranh chấp thửa đất này…”.
Bồi thường theo diện tích GCN QSDĐ hay diện tích thực tế?
Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thiên Đăng, Chủ tịch UBND P.Tân Bình, cho biết: Phường cũng đã nhận được đơn khiếu nại của ông Công. Trên cơ sở đơn khiếu nại này, phường sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường Dĩ An để đo đạc lại diện tích của từng thửa đất mà ông Công đang thực tế sử dụng. Sau khi có kết quả đo đạc, UBND phường sẽ báo cáo với Hội đồng bồi thường để xem xét có quyết định bồi thường cho ông Công theo đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Như Lực, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, theo quy định tại Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì: Trường hợp đất không có GCN QSDĐ hoặc không có bất cứ một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai nhưng đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì cũng đủ điều kiện để được bồi thường đất.
Theo quy định này cho thấy, thửa đất 1949 có diện tích 2.438,4m2 tuy không có trong GCN QSDĐ của bà Bảo nhưng từ trước thời điểm 15-10-1993 bà Bảo đã sử dụng ổn định và sau này khi ông Công nhận chuyển nhượng lại cũng đã sử dụng ổn định. Các hộ có đất liên ranh cũng đã ký xác nhận không tranh chấp với thửa đất này. Do đó, căn cứ theo quy định trên, ông Công được bồi thường là đúng quy định của pháp luật.
NHÂN QUANG