Khơi “ngọn lửa” đam mê cho thế hệ trẻ

Cập nhật: 14-03-2014 | 00:00:00

Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là sự ghi nhận cho tính độc đáo, giàu giá trị văn hóa, thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật tài tử. Tuy nhiên, hiện nay lớp trẻ Nam bộ nói chung, lớp trẻ Bình Dương nói riêng chưa thật sự mặn mà với ĐCTT. Do đó, để ĐCTT “sống mãi”, thế hệ đi trước cần truyền “lửa” đam mê để thế hệ đi sau tiếp nối, giữ gìn.

ĐCTT không chỉ của người già!

Ngày nay, với sự phát triển, hội nhập quốc tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã có điều kiện tiếp xúc, yêu thích những thể loại âm nhạc hiện đại như: Pop, rock, jazz… đi cùng với những điệu nhảy sôi động. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận những bạn trẻ tìm về với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc-ĐCTT. Điều đó được thể hiện thông qua các hội thi ĐCTT do các địa phương tổ chức.

Các bạn trẻ đam mê ĐCTT - cải lương ngày càng tự tin thể hiện mình trên sân khấu

Tại Phú Giáo, hội thi ĐCTT- cải lương hàng năm có trên 30% thí sinh từ 16 đến 30 tuổi đăng ký tham dự. Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT huyện Dầu Tiếng nhiều bạn trẻ đến tham gia tập luyện. CLB ĐCTT Dĩ An, nơi có nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt các bạn ở các tỉnh phía Bắc làm công nhân trong các khu công nghiệp “cảm” nghệ thuật tài tử đã rủ nhau đi sinh hoạt, tập luyện và giao lưu… Bạn Trần Ngọc Lan, 17 tuổi, ở Phú Giáo, tâm sự: Em tập luyện ĐCTT được 2 năm. Trước đây, em thường nghe ông bà hát cải lương, tài tử, nên em rất thích. Nghe nói huyện Phú Giáo có CLB, em đã xin đi tập luyện và đăng ký thi. Trong suốt thời gian tham gia CLB, em được các cô chú tập cho nhiều bài bản hay, cách lấy giọng tốt…

ĐCTT đang dần “trở mình” sống dậy khi nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các cấp lãnh đạo cho đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây là dấu hiệu tốt cho sự phát triển trong tương lai của loại hình nghệ thuật này. Chủ nhiệm CLB ĐCTT Dầu Tiếng Lê Trần Phương Thảo, tâm sự: ĐCTT có cái hay đó là những ca từ trong bài hát đều mang nội dung giáo dục đạo đức con người, ca ngợi quê hương đất nước... Bởi thế mà ta dễ dàng tìm thấy con người Việt Nam, đất nước Việt Nam và cái hồn của cả dân tộc qua ĐCTT.

Thắp “lửa” cho tương lai

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay có trên 60 CLB, đội, nhóm ĐCTT trong toàn tỉnh. Nói đến một hướng đi vững chắc cho ĐCTT có lẽ chỉ có thể nhờ vào thế hệ trẻ hiện nay, phải làm sao để họ đến gần và cảm nhận được cái hồn của bộ môn nghệ thuật dân tộc này. Ông Phạm Ngọc Phú, cựu cán bộ văn hóa, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Dĩ An, tâm sự: Hiện nay, lớp trẻ dễ truyền đạt nhất là học sinh, sinh viên. Do đó, ngành giáo dục - đào tạo cần nghiên cứu để có nhiều tiết học về văn nghệ truyền thống nói chung, ĐCTT nói riêng. Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, lồng ghép những bài giảng về ĐCTT để thế hệ trẻ có thể tiếp xúc và khơi dậy sự yêu thích, niềm đam mê đối với ĐCTT Nam bộ.

Đối với ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: ĐCTT Nam bộ đã bước sang một bước tiến mới khi được cả thế giới biết đến và công nhận là một di sản văn hóa của nhân loại. ĐCTT sẽ còn tồn tại và phát triển xa hơn nữa nếu chúng ta, những người trẻ biết trân trọng và giữ được ngọn lửa của những tinh hoa mà loại hình nghệ thuật này ban tặng.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên