Hành động nhanh, triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị các kịch bản, nắm bắt điều kiện, thời cơ để bật dậy nền kinh tế trong cũng như khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Yêu cầu đó đã rất nhiều lần được người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong các hội nghị gần đây với các bộ, ngành, địa phương.
Kinh tế khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là tất yếu, bởi vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực hết mình, bảo đảm tăng trưởng. Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn khó khăn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành tùy vào chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tháo nhanh các “điểm nghẽn”, nhanh chóng trợ lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng. Với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay việc giảm, giãn thuế, giảm lãi, giãn nợ, khoanh nợ… Bên cạnh đó là tập trung thông quan hàng hóa, thúc đẩy xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Nguồn lực hỗ trợ đã được Chính phủ công bố thực sự lớn và rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại. Chỉ riêng về chính sách tài khóa với gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất đã lên tới 180.000 tỷ đồng, tổ chức, doanh nghiệp được thụ hưởng cũng mở rộng. Cùng với đó là gói hỗ trợ tiền tệ đã tăng lên tới 300.000 tỷ đồng. Vấn đề còn lại chính là triển khai thực hiện, nhanh chóng đưa nguồn lực này đến nhanh với doanh nghiệp, phát huy ngay hiệu quả. Tinh thần chỉ đạo quyết liệt mà Thủ tướng nhấn mạnh đó là dứt khoát không để doanh nghiệp thiếu vốn, tạo mọi thuận lợi để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Bằng mọi biện pháp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công từ nay đến hết tháng 9. Nguồn lực này là cực lớn, với 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc coi đó là “quả đấm thép”, tác động vực dậy, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mệnh lệnh đưa ra cho các bộ, ngành, địa phương là không thể chậm trễ. “Bộ, ngành, địa phương nào chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”.
Quý I-2020, trong thời điểm dịch bệnh, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng, tuy có sụt giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đó là cơ sở để tin tưởng với các giải pháp, nguồn lực đã triển khai, kinh tế đất nước sẽ vượt khó, đi lên.
CẢNH HƯỞNG