Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói và xem đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ phải giải quyết. Theo Người, đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm) mà chúng ta phải chung tay phòng, chống, diệt trừ. Từ đó đến nay, xóa đói giảm nghèo luôn được Ðảng, Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững, trở thành một chủ trương lớn, một chương trình quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta…
Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước còn có sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các chương trình nhân ái, ủng hộ người nghèo. Chính vì vậy, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2000 đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền; các ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. 19 năm qua, ngày 17-10 được lấy là “Ngày vì người nghèo” và tháng cao điểm vì người nghèo được MTTQ Việt Nam tổ chức hàng năm. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội còn hưởng ứng tích cực phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được quyên góp, hàng ngàn ngôi nhà “Đại đoàn kết”… được xây dựng, giúp hàng trăm ngàn người nghèo. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần khơi dậy lòng nhân ái, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đoàn kết, từ đó cải thiện đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, Bình Dương đã có nhiều mô hình giúp người nghèo giảm nghèo hiệu quả như: Mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo”, mô hình “Một cán bộ kèm một hộ nghèo”… Bên cạnh đó còn tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với hộ nghèo nhằm giúp người dân vừa thoát nghèo về vật chất, vừa giảm nghèo về thông tin, tri thức. Đó là nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Là đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo, gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Bình Dương còn tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, khơi gợi ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững mà không có tâm lý trông chờ hay ỷ lại.
TRUNG ĐỒNG