Dù đã ở cuối mùa dịch nhưng số ca bị sốt xuất huyết (SXH) tăng đột biến trong thời gian qua cho thấy, diễn biến của dịch SXH vẫn đang có những dấu hiệu bất thường. Tại khu vực phía Nam, trong đó có Bình Dương, theo thông tin từ ngành y tế, số ca mắc bệnh SXH cũng đang có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trước diễn biến khó lường của dịch, để phòng chống SXH hiệu quả, cần có sự chủ động vào cuộc của cả ngành y tế và cả người dân, đặc biệt là phải tránh tâm lý chủ quan, lơ là.
Tính đến cuối tháng 2, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận khoảng trên 1.400 ca SXH. So với năm 2018, số ca bị SXH ở thời điểm hiện tại tăng hơn 25%. Đặc biệt, tại TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, tình hình diễn biến của dịch đang có những dấu hiệu phức tạp, với nhiều ca SXH được ghi nhận. Trên thực tế, để chủ động phòng chống dịch SXH, ngành y tế đã chỉ đạo thực hiện tốt việc giám sát các ca bệnh, giám sát chặt chẽ các ổ dịch, tổchức xử lý ổdịch bảo đảm kịp thời, triệt để; đồng thời hướng dẫn và triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, như vệ sinh môi trường, thau rửa dụng cụ chứa nước, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trước tình hình dịch SXH đang có những diễn biến phức tạp, nhiều người dân vẫn còn tỏ thái độ thờ ơ, chủ quan. Trong khi dịch SXH vẫn đang có diễn biến phức tạp, tại các địa phương có đông dân cư, nhất là những nơi có nhiều người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống làm việc, đang ẩn chứa các yếu tố nguy cơ để SXH phát triển. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiều nước thải, phế thải, phế liệu tồn đọng sẽ là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân số cao, nhiều khu vực nhà trọ với điều kiện ăn, ở tạm bợ là môi trường thuận lợi để bệnh SXH phát triển và có khả năng phát triển thành dịch trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống kịp thời...
Thiết nghĩ, để chủ động phòng, chống dịch SXH hiệu quả, ngoài sự nỗ lực vào cuộc của ngành y tế, từng người dân cũng cần phải nâng cao ý thức, phối hợp tốt với nhân viên y tế trong việc phun hóa chất phòng, chống SXH. Đặc biệt, từng gia đình, mỗi người dân phải chủ động tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế; thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch tại nhà và khu vực xung quanh như diệt muỗi, diệt bọ gậy, ngủ trong màn… với phương châm “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.
ĐÀM THANH