Đó là Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa xây dựng, chuẩn bị trình Trung ương xem xét, cho ý kiến. Đổi mới giáo dục là một câu chuyện khá “nóng bỏng” trong thời gian gần đây nên khi công bố dự thảo, đề án này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm theo dõi và đặc biệt là thu nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cán bộ trong lẫn ngoài ngành giáo dục.
Đúng với tinh thần đổi mới “căn bản” và “toàn diện” giáo dục - đào tạo, dự thảo đề án đã làm sáng tỏ và nêu ra nhiều nội dung rất được dư luận quan tâm như phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Song song đó, phương thức tuyển sinh đại học đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục cũng chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”... Những nội dung này thể hiện rõ quan điểm đổi mới đồng bộ cả việc giảng dạy, học tập lẫn đánh giá kết quả học tập - điều mà dư luận, báo chí đã tốn không ít giấy mực, thời gian bàn luận trong thời gian qua, nhất là vào mỗi dịp diễn ra các kỳ thi các cấp.
Nền giáo dục nước ta đã trải qua 3 lần cải cách lớn kể từ năm 1950, tuy nhiên theo các chuyên gia, đề án lần này cũng có thể được coi là một đợt cải cách bởi nếu thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong đề án thì có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của giáo dục nước nhà trong vài thập kỷ tới. Nói vậy để thấy rằng, việc góp ý hoàn thiện và thông qua đề án sẽ có ý nghĩa rất lớn, được xem là cú hích cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà. Với ý nghĩa đó, điều đáng mừng là những ngày qua đã có rất nhiều ý kiến từ nhiều thành phần tham gia đóng góp cho dự thảo đề án; thể hiện tinh thần hiếu học, xem trọng sự nghiệp giáo dục của dân tộc ta. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về mốc thời gian thực hiện đề án sao cho hợp lý, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục và đặc biệt là kế hoạch chi tiết như thế nào để thực hiện đạt được những mục tiêu nêu ra trong đề án. Đó hẳn là những vấn đề không hề kém quan trọng cần được tính toán kỹ để quá trình triển khai, thực hiện đề án khi được thông qua thực sự đi vào thực tế và phát huy tác dụng chứ không dừng lại ở những khẩu hiệu, mục tiêu “đẹp đẽ” chung chung...
“Chấn hưng”, “cải cách”, “đổi mới” giáo dục là những cụm từ được đề cập khá nhiều trong thời gian vừa qua. Chỉ mỗi chuyện có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, rồi tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng như thế nào cho phù hợp đã làm tốn nhiều thời gian, công sức bàn luận của dư luận, cho nên đã là đề án đổi mới nền giáo dục nước nhà một cách “căn bản” và “toàn diện” thì càng cần có sự đóng góp rộng rãi, sâu sắc, nhìn xa trông rộng gắn với dự báo tương lai của những người trong ngành, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, người có nhiều tâm huyết... Kỳ vọng vào hiệu quả của đề án phát huy tác dụng là điều mà bất cứ ai vì sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà cũng đang nghĩ tới, nhưng mặt khác cũng rất hy vọng sẽ có thêm nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết để đề án được đi vào thực tế một cách thiết thực đúng với sự mong chờ.
Q.MINH