Sau hơn 1 năm thực hiện đề tài “Lịch sử báo chí Bình Dương” đến nay đã gần như hoàn thiện. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh vừa tổ chức hội thảo để hoàn chỉnh đề tài chuẩn bị in ấn, phát hành sách “Lịch sử báo chí Bình Dương”. Biết được thông tin này, các nhà báo trong tỉnh đang háo hức chờ đợi để được biết về cội nguồn cái nghề mình đã chọn trên mảnh đất Bình Dương thân thương.
Chọn và thực hiện đề tài
Theo tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, chủ nhiệm đề tài chia sẻ, ngay sau khi xuất hiện báo chí Nam kỳ, ở Thủ Dầu Một đã hình thành sinh hoạt báo chí, trong đó một số tờ báo cách mạng bí mật đã có những tác động quan trọng về xây dựng lý tưởng cách mạng và hình thành lập trường tư tưởng cộng sản trong giới trí thức trẻ tiến bộ ở địa phương. Hệ quả là sự ra đời của các chi bộ cộng sản và Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được thành lập. Năm 1936, tờ báo Tranh đấu của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra đời và tích cực hoạt động, đánh dấu sự hình thành báo chí Thủ Dầu Một - Bình Dương. Từ đó đến nay, trong suốt hơn 80 năm, đội ngũ báo chí Bình Dương luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Cả 2 cuộc kháng chiến và đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ báo chí Bình Dương đã có nhiều cống hiến quan trọng với nhiều tấm gương nhà báo cách mạng tiêu biểu. Chính vì bề dày lịch sử của báo chí Bình Dương, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu đã tập hợp, tra cứu, sưu tầm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, ghi chép hệ thống thành cuốn Lịch sử báo chí Bình Dương.
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học đề tài “Lịch sử báo chí Bình Dương”
Sau một thời gian thực hiện, đến nay cuốn sách dần như hoàn thiện để giới thiệu đến với độc giả, nhất là những người đang theo nghề báo trong tỉnh. Cuốn sách có 5 chương, gồm: Hoạt động báo chí ở Thủ Dầu Một trước Cách mạng Tháng Tám; Báo chí cách mạng Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Pháp; Báo chí cách mạng Bình Dương thời kháng chiến chống Mỹ; Báo chí Bình Dương thời tỉnh Sông Bé (1975-1996); Báo chí Bình Dương thời đổi mới và hội nhập (1997-2017).
Để đề tài được hoàn thiện, nhanh chóng in ra thành sách, tất cả những đại biểu tham gia tại hội thảo khoa học đề tài “Lịch sử báo chí Bình Dương” đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Ông Phạm Xuân Ngợi, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Bình Dương, đề nghị thêm hình ảnh minh họa cho nội dung sinh động; nên có phần giới thiệu chân dung một số đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí có đóng góp và ảnh hưởng đến sự phát triển của báo chí Bình Dương. Chân dung các nhà báo không nên để rải rác ở các chương, các giai đoạn mà nên tập trung vào một phần, có thể đặt ở cuối. Với ông Nguyễn Quốc Nhân, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và là một nhà báo trong thời kháng chiến đề nghị nên thêm thông tin các nhà báo cách mạng tại Bình Dương viết cho những tờ báo khác để cho thấy sự giao lưu báo chí. Ông Nguyễn Đức Trường, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đề nghị bổ sung, hoàn thiện thêm tư liệu về “Sự hình thành và hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sông Bé” trong chương 4: Báo chí Bình Dương thời tỉnh Sông Bé (1975-1996).
Mong sớm phát hành
Có thể nói với đề tài nghiên cứu này, mỗi chương mang một ý nghĩa, một dấu ấn riêng về nghề báo Bình Dương. Có chương kể về báo chí trong kháng chiến, chương nói về những đổi mới trong các phương tiện báo chí… Ông Nguyễn Đức Trường nói thêm, cuốn sách này được in ấn sẽ là một kho tàng vô giá cho những cán bộ, phóng viên, biên tập viên đang công tác trong nghề báo nói chung, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương nói riêng. Bởi nó chứa đựng đầy đủ thông tin về sự hình thành, phát triển của đài trong thời gian qua. Do đó, rất mong cuốn sách sớm được xuất bản. Anh Trung Tín, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tâm sự, đề tài này đã chứng minh tầm quan trọng, bề dày lịch sử của báo chí Bình Dương trên mặt trận tư tưởng văn hóa cách mạng, góp phần tuyên truyền xây dựng văn hóa mới, con người mới, tạo những động lực sáng tạo và năng động của người Bình Dương trong kháng chiến và xây dựng phát triển đất nước. Đọc nghiên cứu đề tài này giúp anh biết thêm về lịch sử báo chí của tỉnh Bình Dương, anh càng tự hào mình đang bước theo con đường mà cha ông đã đi.
Cùng thực hiện đề tài nghiên cứu, chị Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, cho biết qua quá trình tham gia chị thấy lịch sử báo chí góp phần làm cho lịch sử Bình Dương có một bề dày. Bắt đầu từ trong kháng chiến, đội ngũ trí thức Bình Dương đã truyền bá những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Nhà báo là “cầu nối” để kết hợp giữa ý Đảng, lòng dân tạo nên sự đồng thuận cao. Từ trước đến nay chưa có một công trình nào viết về sự hình thành, phát triển của báo chí như đề tài này. Khi hoàn thành những người làm báo có cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển của nền báo chí tỉnh nhà.
Sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành, nhóm nghiên cứu đề tài sẽ chuyển giao cho Hội Nhà báo tỉnh, Báo Bình Dương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy in thành sách phát hành đến với độc giả. Đây sẽ là tài liệu hữu ích để giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức về nghề báo Bình Dương.
TỐ TÂM