Lo với những “đổi mới” của giáo dục!

Cập nhật: 24-10-2014 | 09:11:02

Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 8, theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận sẽ trình bày đề án đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là đề án được quan tâm sâu sắc không riêng của đại biểu Quốc hội bởi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, đặc biệt là hàng chục triệu học sinh trong cả nước. Trước đó, đề án này cũng đã “nổi tiếng” với con số kinh phí dự trù lên đến 34.000 tỷ đồng, để rồi bây giờ rút xuống còn 800 tỷ đồng, một sự thay đổi “đột ngột” không thể ngờ tới!  

Đề án có được phép triển khai và triển khai theo hướng nào sẽ có câu trả lời trong những ngày tới, sau khi Quốc hội cho ý kiến cụ thể. Nhưng công luận vẫn có quyền đặt ra những băn khoăn về tính hiệu quả của đề án này sau những “đổi mới” mà ngành giáo dục và đào tạo nước nhà đã thực hiện nhiều năm qua!

Trong những ngày này chỉ mỗi sự thay đổi về cách đánh giá học sinh tiểu học cũng đã dấy lên nhiều lo ngại trên diễn đàn công luận. Và, chỉ sau một tuần thực hiện “đổi mới”, những lo ngại của các bậc phụ huynh cũng như giáo viên tiểu học là hoàn toàn có cơ sở. Mục đích của sự đổi mới cách thức đánh giá học sinh tiểu học là hoàn toàn thuyết phục. Trên các tập vở học sinh tiểu học hôm nay không còn những điểm số khô cứng mà thay vào đó là những lời nhận xét mang tính động viên, khích lệ đầy tâm huyết của giáo viên.

Nhưng sự hồ hởi đó không kéo dài, bởi những nhận xét vừa xuất hiện cũng không kém phần khô cứng, rập khuôn. Đổi mới đâu chưa thấy chỉ thấy phơi bày những “sáng tạo” mang tính đối phó rất rõ ràng. Báo chí phản ánh rằng, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, hàng loạt giáo viên tiểu học đua nhau đi khắc con dấu mang những dòng chữ “cô khen”, “em làm bài tốt”, “em làm bài khá tốt”… để đóng vào phần nhận xét trên tập vở học sinh. Lý giải cho việc làm này, nhiều giáo viên cho rằng, với khối lượng công việc quá lớn họ không có đủ thời gian để viết nhận xét nên phải “sáng tạo” vậy! Đành rằng cách vận dụng vừa nêu trên chẳng có gì sai nhưng phải chăng đó là sự đối phó với quy định? Nhìn những dòng chữ khắc in, nhìn những khuôn mặt cười đi kèm dòng nhận xét đóng lên tập vở thì rất khó để… cười!

Triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là để gieo vào lòng học sinh bậc học này niềm cảm hứng học tập, tránh những điểm số khô cứng làm nhụt chí lứa tuổi tập tễnh đến trường. Triển khai Thông tư 30 cũng nhằm giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên trong việc “chạy đua” điểm số. Nhưng mới qua một tuần triển khai thì quả có những điều thật đáng lo ngại. Thôi thì tất cả hãy cứ tin và kỳ vọng rằng, những dòng nhận xét khắc in thay cho những dòng chữ đầy yêu thương của thầy cô giáo cũng là những lời tâm huyết thật lòng vậy!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết
mới triển khai việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét mà tôi đã thấy giáo viên kêu la không viết nổi cho tất cả học sinh mà nói lâu lâu co mới ghi nhận xét 1 lần.Bữa nay con đi học về nói mẹ ơi cô không có chấm điểm và cũng không nhân xét nữa phụ huynh rất lo lắng không biết con học như thế nào nữa,làm như vậy học sinh cũng không phấn đấu để học tập cho tốt được.
phuong (Cách đây 10 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1229
Quay lên trên