* Từ ngày 1-7-2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực thi hành. Luật Cư trú 2020 thay thế Luật Cư trú 2006 và Luật Cư trú sửa đổi 2013, với một số điểm mới như:
- Từ ngày 1-7-2021, không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú.
Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu (CSDL) về cư trú.
- Thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú mà hiện hành chưa quy định:
+ Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong CSDL về cư trú;
+ Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác;
+ Không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định pháp luật.
- Việc tách hộ sau khi ly hôn sẽ không cần sự đồng ý bằng văn bản của vợ/chồng.
(Hiện hành, quy định muốn tách hộ khẩu phải được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản).
* Bắt đầu từ ngày 1-7, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/ AIDS) sửa đổi 2020 cũng chính thức có hiệu lực với một số điểm đáng lưu ý như:
- Người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho:
+ Vợ, chồng, người dự định kết hôn;
+ Người chung sống như vợ chồng với mình (đối tượng được bổ sung thêm).
- Thêm đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, đơn cử như:
+ Người chuyển đổi giới tính;
+ Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;
+ Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.
L.T.PHƯƠNG