Mùa thay lá
Cập nhật: 30-06-2012 | 00:00:00
Tháng
năm ồn ào những chùm hoa phượng đỏ, râm ran lời từ biệt của ngàn ve, đó cũng sự
bịn rịn đáng yêu của các lớp học trò phải xa trường, xa lớp. Xa gia đình, người
thân, bạn bè để lên thành phố, lên tỉnh dự thi vào các trường đại học. Ngôi trường
huyện bé nhỏ thân yêu đã gắn bó với họ từ lớp 6 tới lớp 12, nghĩa là 7 năm dài đăng
đẳng họ ngồi bên nhau, sẽ rời xa. Nhan
là con nhà nghèo nhưng học giỏi, chữ viết đẹp nhất lớp, nhất trường. 7 năm học,
đều đặn 7 tờ báo tường được cô chủ nhiệm giao cho Nhan làm. Dẫu nội dung có thể
chưa là xuất sắc so với các tờ báo tường của các lớp khác nhưng năm nào tờ báo
của lớp Nhan cũng được giải. Nhan
không phải là con gái, mặc dù cái tên nghe rất nữ tính. Ở quê, người ta đặt tên
con không quá cầu kỳ, hoặc là theo cha, hoặc là theo mẹ. Nhan là cái tên được đặt
theo mẹ, mẹ Nhan tên Hồng. Cha Nhan mất
sớm, nếu không sẽ có thêm các tên khác như Bạc, như Phận nữa thì cũng không có
gì là lạ. Nhà
Nhan cách trường huyện 5 cây số, trong một làng quê thanh bình như bao làng quê
thanh bình khác, có dòng sông hiền hòa, có ruộng lúa, bờ tre. Làng cũng nghèo, đa
phần là mái lá. Một con đường đất đỏ quạch duy nhất xuyên suốt hai đầu làng.
Ngày ngày, Nhan đi về trên chiếc xe đạp cà tàng, vừa đi học vừa đi chợ, nghĩa
là mẹ dặn mua gì thì Nhan mua đó. Khi thì con cá, mớ rau; lúc thì bìa đậu, quả
cà. Nhan hiền tính, giỏi giang nên được nhiều người yêu mến. Cả cái chợ huyện đó
không ai là không biết Nhan, không ai nói thách giá với anh bao giờ. Đã thế, họ
còn cho thêm tí đỉnh khi Nhan mua một thứ gì đó. Ngày, học một buổi, một buổi
ra đồng phụ mẹ. Mười tám tuổi Nhan thành người lớn, người lớn theo kiểu nhà
quê. Nghĩa là có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể tự ăn, tự làm được. Còn so với cư
dân thành phố thì cái tuổi đó quá là non nớt, kinh nghiệm sống chưa có gì, khó
mà tự lập. Mẹ Nhan khuyên anh học hết bậc đại học để có tương lai sáng sủa hơn.
Mẹ anh có thể lo cho anh chu toàn được miễn là anh phải cố gắng. -
Con phải ráng học để thoát khỏi cái nghèo truyền kiếp của cái làng này. Đất
không rộng, người lại đông, ăn vào lưng nhau được sao?Nhan
nghe lời mẹ, thi vào ngành sư phạm, ngành học mà dạo đó chẳng mấy người đeo đuổi,
ra trường là có việc làm ngay. Ở đó, Nhan và Thu quen nhau. Họ nuôi nấng tình
yêu bằng cả tấm lòng chân thật, bằng nghị lực và khát vọng của tuổi trẻ. Ngày
ra trường Thu đậu thủ khoa nên được ưu tiên chọn trường về công tác. Thu chọn
trường huyện nơi Nhan học ngày nào. Nhan cũng xin được về đó, bởi gia cảnh một
mẹ một con. Rồi họ lấy nhau, sinh cho nhau một cô con gái xinh đẹp, bụ bẫm. Họ ở
trung tâm huyện, được thuê nhà của Nhà nước, cuộc sống tương đối êm ả. Sẽ chẳng
có gì để thở than nếu như bà Hồng, mẹ Nhan không giẫm phải mìn con cóc tiện mất
một bàn chân. Bị nhiễm trùng nên bác sĩ cắt bỏ tới khớp gối và bà phải đi nạng
gỗ. Công việc ruộng vườn đành thôi, bà sống nhờ hạt thóc ít ỏi của người cấy rẻ
Hục
hặc vì lo trông con, lo dạy và phải chợ búa nấu nướng, Thu đay nghiến chồng: “Nhìn
người ta mà buồn, mà tủi hổ. Người ta xe đưa xe rước, ăn uống phủ phê, còn mình
phải nhịn đói, nhịn khát, nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn sắm sửa để tiền cho người ta
nuôi mẹ...”. Bị vợ đay nghiến cũng phải, bởi Nhan ngoài giờ lên lớp là phi ngay
xe máy về với mẹ, do bà thường xuyên đau ốm. Nhan tính bán nhà đưa mẹ lên ở
cùng vợ chồng anh, nhưng mẹ anh không đồng ý. Bà bảo:-
Mẹ chồng, nàng dâu thường khó ở. Càng khó ở hơn khi phải sống trong nhà và ăn
vào đồng lương của cô ấy. Nhan
phân trần:-
Mẹ sống bằng tiền lãi ngân hàng chứ sống gì vào đồng lương của vợ chồng con. Mẹ
già rồi, trông cháu, trông nhà là thích hợp mà lại vui. Mẹ sống ở đây một mình,
gió máy, bệnh hoạn chẳng ai hay, ai biết. Nhan
nói mấy thì nói, còn bà quyết không đi là không. Nhan quá khó xử, bởi nếu phải
kéo dài tình cảnh này thì không ổn, hạnh phúc gia đình anh và Thu chắc chắn chẳng
còn bền chặt như ngày nào. Anh không thể bỏ mặc mẹ đau bệnh một mình như thế
này. Nhan nói như khóc:-
Vậy là mẹ chẳng thương con rồi. -
Con nông cạn quá con ạ. Vườn tược, mồ mả cha mày mà mày đòi bán đi thì chẳng
còn thể thống gì. Ngóc đầu lên sao nổi con ơi. Nhan
đành chịu. Đành chịu sự chia tay của Thu, khi mà Thu không chịu nổi vất vả vừa
làm mẹ, vừa làm tròn bổn phận người thầy. Thu xin thuyên chuyển về gần nhà mẹ đẻ
để gửi con cho bà trông nom và dạy học ở đó. Ở nhà mẹ đẻ, Thu không phải làm lụng
gì, nhà mua bán nên có đồng ra đồng vào. Đêm ngồi soạn giáo án còn có ly sữa
hay bát cháo thịt bằm nóng hôi hổi mà mẹ cô thường bồi dưỡng cho cô. Điều đó chưa
bao giờ có khi sống với Nhan, có chăng là củ khoai lạnh ngắt hay bát nước chè
nhạt thếch. Giờ thì Thu tha hồ áo lượt quần là, không nhếch nhác như trước, thản
nhiên nhìn đời bằng con mắt màu xanh. Thu thường đi đây đi đó, họp lớp, liên
hoan sinh nhật bù khú với bạn bè thân và chưa thân. -
Phục cô quá, dám nghĩ, dám làm. Dám thoát ly ra khỏi cái nghèo kiết xác.Thu
cười cười. Nghe thì văn vẻ đấy, có góc có cạnh đấy. Bởi Thu còn rất đẹp. Gái một
con, đầy đặn, nở nang, ai trông mà chẳng khát thèm. Đôi mắt Thu to đen lay láy,
riềm mi cong vút, cái nhìn sâu thăm thẳm. Đôi môi chín mọng, không son sáp gì
mà vẫn đỏ hôi hổi. Làn da nõn nuột, mịn màng luôn mời mọc. Thu giật thót mình bởi
những lời ngợi khen mang tính khích lệ nhưng đầy nhục dục của ai đó. Làm sao người
ta biết được những rối bời trong lòng cô, cô tìm vui chẳng qua để khỏa lấp cái
khoảng trống quá lớn khi phải xa chồng. Thật lòng thì cô cũng ân hận việc mình
làm nhưng không thể khác được. Cô là kẻ có tội, trốn chạy hạnh phúc của mình,
trốn chạy tình yêu của chồng rất mực thương cô và hiếu thảo với mẹ. Không dám
cùng chồng chia sẻ gian lao, vất vả, nghèo khó nhất thời, cô thẹn trong lòng
khi đứng trên bục giảng, giảng về đạo đức với đám học trò nhỏ thân yêu của
mình. Còn Nhan rất buồn nhưng biết phải làm sao. Hàng tháng, Nhan đem lương về
cho vợ, biếu mẹ vợ những thứ cây trái có trong vườn nhà và mua cho con vài ba hộp
sữa nhưng chẳng nghe Thu nói năng gì. Qua nửa năm, lòng tự ái trong Nhan trỗi dậy,
Nhan chuyển tiền lương của mình vào thẻ ATM của Thu mà không phải tới lui làm
gì nữa. Căn gác hạnh phúc của hai người bỏ ngỏ, Nhan về ở với mẹ đẻ tiện cơm nước
chăm bà. Ba
năm trôi qua, ba mùa hoa phượng nở, hơn ngàn ngày nhớ thương, chờ đợi. Nhan gầy
hơn trước, da đen nắng gió nên trông chững chạc. Nhan hoàn thành xuất sắc công
việc dạy học của mình, lớp do Nhan phụ trách không có trò yếu kém, được hiệu trưởng
khen ngợi hàng năm. Người ta càng khen ngợi Nhan bao nhiêu, thì người ta càng
oán trách Thu bấy nhiêu bởi cô không làm tròn phận sự của người vợ hiền, dâu
ngoan. Thương Nhan vất vả quá, hội đồng trường đề bạt anh lên làm phó hiệu trưởng
phụ trách tổ chức để có nhiều thời gian chăm sóc mẹ hơn khi không phải thức
khuya, dậy sớm soạn giáo án lên lớp. Giờ thì Nhan có điều kiện viết lách, hết
cái khó ló cái khôn, mỗi tháng được đăng vài ba truyện ngắn lên báo là có kha
khá tiền. Chuyện học hành thi cử, chuyện nhà trường, chuyện học sinh quậy phá
luôn là đề tài nóng bỏng mà các báo thường quan tâm. Với đề tài ấy, viết suốt đời
cũng chẳng hết. Hôm nay cũng thế, Nhan đem cái USB có truyện ngắn viết từ đêm
qua ở nhà lên gửi email cho tờ báo thân thích. Như thường lệ, Nhan nhìn vào sổ
công tác giải quyết một số công việc tồn đọng. Giở sổ công văn đến xem công điện
hoặc thư từ, khi việc công đã hoàn tất thì Nhan mới làm việc riêng. Giật thót
người bởi nét chữ thân thương của Thu ngoài chiếc phong bì lớn gửi cho phòng tổ
chức của nhà trường. Đó là đơn xin thuyên chuyển về lại trường với lý do rất
chính đáng là cực chẳng đã phải về nhà mẹ đẻ và công tác ở đó, bởi ở đây con của
Thu không có ai trông giữ. Bây giờ thì cháu đã hơn ba tuổi, đủ để vào học trường
mầm non của huyện nhà. Ba năm xa chồng vì lo cho con đó là sự hy sinh quá lớn của
người đàn bà. Thu không phản bội tình yêu, không chạy theo tiền tài danh vọng,
không nhăng nhít trai gái với ai. Hơn nữa bộ môn hóa do Thu phụ trách giờ vẫn
chưa có thầy, cô thay thế, có chăng là kiêm nhiệm. Nhận Thu về trường là hợp lẽ
quá, Nhan chờ sự đồng thuận của hiệu trưởng là chuyển đơn lên phòng giáo dục
huyện. Chẳng phải chờ đợi lâu, nửa tháng sau có quyết định điều chuyển của
phòng giáo dục gửi về, Nhan mang thẳng qua nhà vợ. -
Quyết định của em đây rồi, sao em không nói gì với anh. -
Em tính cho anh bất ngờ. -
Bất ngờ đến ba năm ?-
Phải, thay vì nghỉ hè em đưa con về với anh thì không nghiệm hết lòng anh được.
Ba năm là khoảng thời gian đủ để người ta nhìn lại mình, thấy mình. Hơn nữa, ba
tháng hè em cũng kiếm được khá tiền do dạy thêm và anh cũng có nhiều thời gian
hơn chăm sóc cho mẹ. -
Em không ghét mẹ anh nữa ư.-
Em có ghét gẫm mẹ bao giờ đâu, chẳng qua nghèo quá hóa cùn.-
Anh cảm ơn em.-
Tiền lương của em cộng với tiền anh gửi, trong tài khoản của em giờ có gần hai
trăm triệu đồng rồi đủ để tậu một căn nhà nho nhỏ. Ba năm anh có mấy mảnh tình
rách, tình lành rồi ?-
Nghèo sát đáy đời như anh, ai thèm. Rách cũng không, còn lành thì quá đắt đỏ. Thu
thấy chồng chẳng thay đổi gì, vui vui, tếu tếu như ngày nào. Chẳng tranh cãi,
chẳng than thở, chỉ chăm chú vào công việc kể cả việc nuôi mẹ. Giờ thì Thu nghĩ
sẽ thương mẹ anh hơn, sẽ chăm sóc cho bà nhiều hơn, bù lại những suy nghĩ đau
buồn của bà do Thu gây ra trước đó. May mà hạnh phúc còn, may mà Thu và Nhan giữ
được tư cách của một nhà giáo. Thu chạy đi mua hai lon sữa Ensure ngoại đắt tiền
trao chồng đem về biếu mẹ. Nhan rưng rưng:-
Em mua thứ đắt tiền này làm gì, mẹ làm sao dám uống.-
Anh nói lạ, bệnh mà không ăn uống thì để tiền chôn theo à. -
Uống chớ, nhưng hương đồng cỏ nội thôi. Dielac Mama, hàng Việt Nam chất lượng
cao là được rồi. Thua gì sữa ngoại đâu em. Thu
cười, Nhan cũng cười. Họ chia tay nhau trong hạnh phúc hẹn đến kỳ nghỉ hè sẽ
sum họp.Lý Thị Minh Châu