(BDO) Một món ăn dân giã của dân tộc ta trong dịp Tết cổ truyền là củ kiệu, dưa hành. Người miền Nam làm kiệu ngọt. Người miền Trung làm kiệu mặn. người miền Bắc kiệu sẽ nhạt hơn chút và đi cùng món không thể thiếu là dưa hành. Tất cả nói lên khẩu vị của từng vùng miền. Khi nơi nơi chuẩn làm kiệu cho những ngày đầu xuân thì cũng nghe… mùi tết đến rồi đó!
Củ kiệu được người dân Chánh Nghĩa phơi trên vỉa hè cũng là nỗi nhớ cho người xa quê
Tháng giáp tết cũng là tháng ở miền Trung mưa dầm dề. Thế nên người miền Trung làm kiệu tết cực lắm! Ra ruộng nhổ củ kiệu lạnh co ro. Nhổ xong phải chao rửa ở bến sông cho hết bùn đất. Rồi nhặt rễ kiệu, lá kiệu, sau đó ngâm với nước tro qua đêm cho kiệu đỡ mùi hăng. Không có nắng, người dân lại phải quạt một bếp than ấm áp, vừa tranh thủ ngồi cho đỡ lạnh vừa hong kiệu heo héo để làm dưa món cùng với nhiều thứ khác như: đu đủ xanh, cà rốt, su hào, ớt hiểm, hành, tỏi… Gọi là dưa món bởi có rất nhiều “món” trong đó. Tuỳ mỗi nhà, mỗi người thích món gì làm món đó để tết có dưa mằn mặn, ngòn ngọt ăn kèm bánh chưng, bánh tét thiệt ngon lành…
Tôi sống ở miền Nam gần 20 năm nay, ký ức về tết quê vẫn còn nhưng đã quen luôn với cách làm kiệu của người miền Nam. Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng; khi nào người dân Chánh Nghĩa (TP.TDM, Bình Dương) phơi kiệu là sắp tết. Khắp các nẻo đường hướng về chợ Thủ, nhà nhà phơi kiệu tết. Nhà ở thành phố, không có sân. Nên vỉa hè được tận dụng để phơi củ kiệu. Tôi thích nhìn những vỉa hè có nong kiệu phơi khô trong ánh nắng hanh hao, trong làn gió heo may cuối năm như thế.
Tôi cũng biết một anh người Chánh Nghĩa nay định cư ở nước ngoài có “ao ước” rất ngộ! Đó là những ngày cuối năm, anh muốn được trở về quê nhà, ngồi uống ly cà phê vỉa hè và… hít hà mùi kiệu nhà ai gần đó đang phơi. Anh nói nó hay lắm, nó gợi nhớ cả ký ức tuổi thơ trong anh…
Một bác cao niên ở Chánh Nghĩa cho biết; thường thì đầu tháng Chạp, người dân ở Chánh Nghĩa, sống lâu năm quanh chợ Thủ sẽ làm kiệu tết. Làm hũ củ kiệu kiểu miền Nam đơn giản hơn nhiều là bởi chỉ có… kiệu! Không đủ thứ món như người Trung, người Bắc! Kiệu phơi hơi héo, rửa lại nước muối sạch sẽ xong đem ngâm nước đường, giấm, muối… Tuỳ khẩu vị mỗi người thích ăn chua, ngọt như thế nào thì ngâm như thế đó.
Thơm thảo hũ kiệu tết nữa là người ta thường làm nhiều để biếu tặng nhau. Có nhà làm ngon quá, tiếng lành đồn xa nên những mùa sau làm kiệu để đem ra chợ bán. Người dân Chánh Nghĩa hiền lành, dễ thương. Tết có người bán kiệu, có người bán hoa thọ, có người bán vài cái chậu gốm sứ thô mộc hay heo đất… Tất cả chỉ là để ra chợ nhìn ngắm phố phường, nhìn ngắm người ta rộn ràng vội vã những ngày cuối năm!
Nét dân giã chân chất có trong mùi kiệu, mùi tết. Cho dù chúng ta đi đâu, làm gì thì những ngày này, nhìn ai đó bên đường đưa tay nhẹ nhàng trở từng củ kiệu, bỗng thấy nao nao nhớ về cố hương…
Trần Quỳnh Như