(BDO) Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030. Theo dự thảo nghị quyết, khi nghị quyết được thông qua và triển khai thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng các đô thị để người dân được hưởng thụ tốt nhất về điều kiện hạ tầng kỹ thuật trong đô thị hóa.
Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu
Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị từ cấp ủy đến chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị. Các địa phương trong tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến chỉnh trang, phát triển đô thị làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa, cùng với đó là việc gia tăng dân số cơ học đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị trên địa bàn tỉnh, trong khi nguồn lực đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng kỹ thuật lĩnh vực giao thông, thoát nước, chiếu sáng… trong khu vực đô thị chưa đồng bộ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ngập nước, mất vệ sinh môi trường, chưa bảo đảm an toàn giao thông.
Những năm qua, các ngõ, hẻm tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh được cải tạo, chỉnh trang, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cấp đô thị của tỉnh. Trong ảnh: Một tuyến ngõ, hẻm của TP.Thủ Dầu Một được trải thảm nhựa, tạo diện mạo đô thị khang trang
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa qua Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 và dự thảo kế hoạch thực hiện nghị quyết này.
Cụ thể, xây dựng giải pháp, tập trung triển khai, đầu tư hiệu quả chương trình kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, cải tạo chỉnh trang các ngõ hẻm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật bảo đảm quy định về phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng ngõ hẻm, hệ thống xử lý nước thải, nhựa hóa các tuyến đường.
Theo Sở Xây dựng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương tham mưu xây dựng nghị quyết chuyên đề về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Xây dựng xây dựng đề án, kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, theo đó quyết tâm đến năm 2025 phải xóa hết đường đất đối với các tuyến ngõ, hẻm, đường kết nối từ huyện đến trung tâm các xã; xóa các khu “ổ chuột” hiện hữu và không để phát sinh các khu mới trong lòng đô thị.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết khi nghị quyết được thông qua và triển khai thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng các đô thị để người dân được hưởng thụ tốt nhất về điều kiện hạ tầng kỹ thuật trong đô thị hóa.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025 Bình Dương từng bước cải tạo chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị cho từng đô thị trên địa bàn; nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường đất đối với các ngõ, hẻm; tại các đô thị các đường kết nối từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã. Bảo đảm 100% các ngõ, hẻm tại các khu vực đô thị có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị và có giải pháp tổ chức đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật bảo đảm quy định về phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng ngõ, hẻm, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Xóa bỏ các nhà, khu nhà ở không đạt quy chuẩn về nhà ở hiện hữu và không để phát sinh các khu mới trong đô thị.
Giai đoạn 2026-2030, Bình Dương sẽ hoàn thành 50% mục tiêu theo các nội dung trong kế hoạch cải tạo, chỉnh trang; tái thiết, phát triển đô thị được ban hành cho từng đô thị trên địa bàn. Sau năm 2030, hoàn thành 100% mục tiêu Chương trình hành động số 112/CTr-TU ngày 22-3-2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025; giữ vững các mục tiêu đã được thực hiện và không để phát sinh mới.
Phát triển đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị theo Đồ án quy hoạch được duyệt cho từng đô thị trên địa bàn. Theo đó, tỉnh thực hiện quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển các khu đô thị mới để kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm góp phần chỉnh trang các đô thị hiện hữu kết nối giữa các đô thị mới nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan đô thị…
Nhiều công viên, hoa viên, phố đi bộ đã được tỉnh đầu tư xây dựng góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho người dân
Bên cạnh đó, Bình Dương triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư, như: Thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, hạ ngầm bó cáp viễn thông, cấp điện, chống ngập nước; phát triển tranh dân gian đường phố… Đẩy nhanh công tác tổ chức lập, trình duyệt và phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền, gồm: Quy hoạch chung các đô thị Thuận An, Tân Uyên, Dĩ An, Thủ Dầu Một; quy hoạch vùng các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo; các đồ án quy hoạch phân khu; các quy hoạch chung, các đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch nông thôn mới.
Đồng thời, tổ chức lập và triển khai các quy hoạch chi tiết 1/500 tại các khu vực cần chỉnh trang, các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan; các điểm nhấn đô thị; khu vực trung tâm các đô thị hiện hữu làm cơ sở lập các dự án đầu tư về cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị. Song song đó, chú trọng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật vào trong các đồ án quy hoạch, các dự án cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt, nghĩa trang, chất thải rắn, cây xanh...
Cùng với đó, triển khai chương trình phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Xây dựng các đề án bố trí chuyển đổi công năng trong và ngoài một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An sang sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thương mại - dịch vụ, đô thị theo đề án quy hoạch được duyệt thông qua việc tổ chức triển khai hiệu quả theo kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân ra khỏi khu vực trung tâm, các đô thị. Quỹ đất sau khi di dời được chuyển đổi công năng sẽ ưu tiên bố trí bổ sung các công trình hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng, hạ tầng kỹ thuật.
Chuyển đổi công năng các nghĩa trang, nghĩa địa đã đóng cửa theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch tổng thể các địa điểm nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể các địa điểm nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050, nhằm tạo quỹ đất chuẩn bị đầu tư và phát triển các công trình phúc lợi xã hội cây xanh.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết khi nghị quyết của Tỉnh ủy được thông qua và triển khai thực hiện, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện theo kế hoạch nhằm bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham quan, nghiên cứu, học tập các tỉnh có mô hình, cách làm hiệu quả; định kỳ rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện; tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết; kịp thời tổng hợp tham mưu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhằm phù hợp quá trình phát triển của tỉnh. |
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG