(BDO) Chiều 17-10, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương đang tồn tại các điểm ngập nước trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết, các điểm ngập trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên do quá trình đô thị hóa nhanh. Năm 2022 toàn tỉnh tồn tại 64 điểm ngập đang xử lý, năm 2023 phát sinh thêm 15 điểm ngập nhưng chỉ xử lý được 5 điểm ngập, hiện toàn tỉnh còn 74 điểm ngập đang được xử lý. Một số điểm ngập nước do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguồn vốn.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh báo cáo tại buổi làm việc
Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn dễ ngập nặng do mưa kết hợp thủy triều, kết hợp xả lũ hồ Dầu Tiếng. Giải pháp hạn chế ngập là xây dựng thêm cống ngăn triều trên sông Sài Gòn, đoạn qua khu vực TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Dành lưu ý, các địa phương cần phải nâng cao cảnh giác trước các “điểm nóng” về ngập, bố trí lực lượng ứng trực để kịp thời xử lý, hạn chế tối đa các sự cố, gây thiệt hại tài sản, tính mạng của người dân. Thường xuyên vận động, tuyên truyền, xử lý các trường hợp lấn chiếm kênh, rạch giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt xả rác xuống kênh, rạch, hệ thống cống thoát nước làm hạn chế việc tiêu thoát nước.
Ông Nguyễn Văn Dành yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng ứng trực, kịp thời xử lý các tình huống tại các “điểm nóng” ngập nước để bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân
Ông Nguyễn Văn Dành yêu cầu các sở, ngành cần phải phối hợp, đưa ra các giải pháp căn cơ, xử lý các điểm ngập có kết quả. Chú ý ưu tiên nguồn lực cho các dự án chống ngập, thoát nước đô thị trong kế hoạch đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trước mắt, tập trung xử lý các điểm ngập úng cục bộ, giảm tác động đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Trong quy hoạch xây dựng đầu tư phải đồng bộ, hạn chế các phát sinh điểm ngập mới trong tương lai...
Minh Duy