Bài 2: Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Hiện nay, trên địa bàn TX.Thuận An còn 12 chợ tự phát (CTP) gây mất trật tự đô thị (TTĐT) và an toàn giao thông (ATGT). Để giải tỏa triệt để các CTP, Ban chỉ đạo giải tỏa CTP TX.Thuận An chỉ đạo UBND các địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các trường hợp buôn bán tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.
Tổ trật tự đô thị phường An Phú nhắc nhở người dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè gây ách tắc giao thông, trật tự đô thị
Nâng cao trách nhiệm quản lý
Chia sẻ kinh nghiệm về lập lại TTĐT và giải tỏa CTP trên địa bàn, bà Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu nói: “Hưởng ứng chiến dịch “Lấy lại vỉa hè cho người dân” ở quận 1, TP.Hồ Chí Minh, địa phương đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức ra quân lập lại TTĐT, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác giải tỏa CTP. Qua kênh Đài truyền thanh và loa di động, UBND phường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động người dân không buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và vỉa hè. Bên cạnh đó, thông qua các buổi họp dân, địa phương lồng ghép các quy định pháp luật về quản lý cá nhân trong hoạt động thương mại, các quy định về giao thông đường bộ tới trực tiếp từng hộ dân. Địa phương thông báo công khai các tuyến đường, khu vực cấm hoặc cho phép buôn bán theo quy định của UBND tỉnh. Kết quả, hoạt động buôn bán trên địa bàn đã đi vào nề nếp, đã giải tỏa dứt điểm CTP trong khu phố Bình Hòa”.
TX.Thuận An đang có chủ trương chuyển một số chợ tự phát trên địa bàn thành chợ tạm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Trong ảnh: Tiểu thương chợ Lái Thiêu buôn bán trật tự theo sự sắp xếp của Ban quản lý chợ
So với phường Lái Thiêu, phường An Phú “nóng” hơn về vấn đề CTP. Trong năm qua, phường An Phú đã tập trung giải tỏa xong 3 CTP, trong đó đáng chú ý là giải tỏa dứt điểm CTP bán gia cầm trên đường ĐT743 (KP.2) đã tồn tại hơn 15 năm. Nói về kết quả này, ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú cho hay: “Mặc dù chợ này chỉ khoảng 10 tiểu thương nhưng hoạt động buôn bán rất tấp nập. Hoạt động giết mổ đều diễn ra tại chỗ. Nước thải xả trực tiếp xuống cống ga, gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, vì chợ nằm trên đường ĐT743 nên thường gây kẹt xe cục bộ và mất ATGT. Trước tình trạng trên, UBND phường đã nhiều lần ra quân giải tỏa, nhưng vì lợi nhuận cao nên tiểu thương lại tiếp tục buôn bán trở lại. Để giải quyết dứt điểm CTP này, UBND phường đã vận động các chủ đất cắt hợp đồng thuê mặt bằng đối với các tiểu thương bán gia cầm ở đây; đồng thời vận động các tiểu thương chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc tìm địa điểm kinh doanh khác phù hợp. Riêng đối với CTP trong khu dân cư Việt - Sing (KP.4) và khu di tích Thuận An Hòa (gần cây xăng Lai Uyên), UBND phường cử lực lượng chức năng thường xuyên đứng chốt từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và 16 giờ đến 18 giờ 30 phút hàng ngày nhằm ngăn chặn việc họp CTP gây mất ATGT và mỹ quan đô thị”.
“Song song đó, UBND phường An Phú còn thành lập Tổ TTĐT để lập lại TTĐT và giải tỏa CTP trên địa bàn. Sau hơn một năm hoạt động, tổ đã giải tỏa nhiều điểm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, góp phần “hồi sinh” 8 chợ tư nhân có nguy cơ bị “khai tử”. Thấy được hiệu quả của Tổ TTĐT phường An Phú, các tiểu thương đã tự nguyện đóng góp tiền để UBND phường trang bị thêm phương tiện cho Tổ TTĐT duy trì hoạt động”, ông Long cho biết thêm.
“Xã hội hóa” công tác quản lý
Ngày 13-3, P.V đã theo chân Tổ TTĐT phường An Phú do ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú làm Tổ trưởng đến kiểm tra và nhắc nhở người dân buôn bán không lấn chiếm lòng, lề đường trong khu dân cư Việt - Sing (KP.4). Tại thời điểm kiểm tra, không có tình trạng người dân bày bán hàng hóa dưới lòng, lề đường. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiểu thương bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè. Vì vậy Tổ TTĐT đã nhắc nhở người dân đưa hàng hóa vào bên trong, không lấn chiếm vỉa hè.
Biết sự có mặt của lãnh đạo UBND phường An Phú tại đây, nhiều tiểu thương đã góp ý với mong muốn chấm dứt tình trạng “làm khổ cho nhau” giữa tiểu thương và lực lượng chức năng. Ông Lê Đình Long, tiểu thương bán trái cây trên đường D5 thẳng thắn: “Để được buôn bán tại đây, chúng tôi phải thuê ki-ốt và trả các loại chi phí khác. Trong khi đó, một số người bán hàng rong thấy nơi này buôn bán được nên mang hàng hóa đến bán mà không trả chi phí nào, đã vậy họ còn có không gian tiếp cận khách hàng tốt hơn chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải lấn vỉa hè để trưng bày trái cây nhằm cho khách hàng thấy mua. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, chúng tôi lại khổ cực đẩy hàng vào, đôi khi còn bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn tiếp tục tái diễn. Theo chúng tôi, để chấm dứt tình trạng trên, lực lượng chức năng phải thường xuyên đứng chốt ở đây, bất kể giờ hành chính hay ngày lễ. Mỗi ngày, lực lượng chức năng chỉ cần đứng từ 1 đến 2 giờ vào giờ cao điểm họp chợ, bảo đảm sẽ không còn tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất TTĐT và ATGT. Chúng tôi sẵn sàn đóng góp tiền để bồi dưỡng cho lực lượng đứng chốt ở đây!”.
Nhiều tiểu thương cũng đồng tình với ý kiến lập chốt bảo vệ tại đây để quản lý an ninh trật tự và hoạt động buôn bán. Đồng thời, họ sẵn sàng đóng góp tiền để duy trì hoạt động các chốt an ninh này. Trước ý kiến của các tiểu thương, ông Long tiếp thu và cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp với tiểu thương bàn cách duy trì hoạt động buôn bán tại đây nhưng không gây mất TTĐT và ATGT.
Trước đó, vấn đề “xã hội hóa” về công tác quản lý chợ đã được ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, nêu lên tại hội nghị tổng kết công tác giải tỏa CTP năm 2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Theo ông Sử, nếu địa phương gặp khó về vấn đề kinh phí để chi trả cho lực lượng chức năng đứng chốt tại các điểm “nóng” thường diễn ra hoạt động buôn bán tự phát thì cứ vận động “xã hội hóa”. Nếu người dân, nhất là tiểu thương thấy được hiệu quả của hoạt động này thì họ sẵn sàng hưởng ứng. Được biết phường Thuận Giao cũng đã làm tốt công tác này.
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm chính đối với công tác giải tỏa CTP và các điểm buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn do địa phương quản lý. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại thi đua khen thưởng.
Đồng thời, yêu cầu Phòng Kinh tế chủ trì nghiên cứu và đề xuất với Sở Công thương chuyển CTP trong khu dân cư 434 (phường Bình Hòa) và Thuận Giao (phường Thuận Giao) thành chợ tạm, hoạt động tương tự như chợ Lái Thiêu và chợ Búng. Mặc dù đây là CTP nhưng lại phục vụ nhu cầu rất lớn cho người dân, nhất là công nhân lao động. Trong khi đó, các tuyến đường trong hai khu dân cư trên không có mật độ phương tiện lưu thông cao nên việc chuyển đổi thành chợ tạm sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình giao thông tại đây.
Đặc biệt, ông Sử cũng lưu ý lực lượng chức năng khi tổ chức kiểm tra xử lý trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường phải đúng quy định pháp luật và khiến người dân “tâm phục khẩu phục” thì mới mang lại hiệu quả cao.
NGUYỄN HẬU