Nhiếp ảnh gia Trần Khánh Hưng:

Nâng niu cảm xúc để tìm khoảnh khắc đẹp...

Cập nhật: 14-07-2015 | 09:47:35

“Trong một bức ảnh nghệ thuật, ánh sáng là máu, bố cục là thịt và khoảnh khắc là linh hồn…”, đó là câu ví von rất dễ hiểu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Khánh Hưng (ảnh), người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm cầm máy được giới nghệ thuật yêu mến, đánh giá cao. Nói chuyện với anh, chúng tôi học hỏi thêm được những kinh nghiệm bấm máy quý giá để phục vụ cho tác nghiệp. Chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh, ta lại càng yêu thêm quê hương, đất nước mình...

Trần Khánh Hưng sinh năm 1963, tại TP.Hồ Chí Minh. Từ nhỏ trong anh sẵn có một tình yêu dành cho nhiếp ảnh. Tình yêu ấy càng được dịp đượm nồng khi Hưng được người chú tặng một chiếc máy ảnh của Liên Xô để anh thỏa sức đam mê. Năm 1988, Khánh Hưng bắt đầu tham gia khóa nhiếp ảnh ngắn hạn tại trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh) do nhiếp ảnh gia Thu Hồng đứng lớp. Sau khóa học này, anh được ba mẹ đầu tư hẳn chiếc máy ánh hiệu Pentax để hành nghề chụp ảnh “dạo” tại TP.Hồ Chí Minh. Khi kinh tế dần ổn định, Khánh Hưng cùng một số người bạn có chung niềm đam mê vác máy rong ruổi về tận các vùng nông thôn như Củ Chi, Bình Dương, Bình Long… để sáng tác ảnh nghệ thuât. “Hồi đó, do chụp bằng phim nên chỉ khi tráng rọi ra mới biết bức ảnh của mình đạt ở mức độ nào. Vì vậy, việc xử lý ảnh ngay tại hiện trường của người nghệ sĩ là quan trọng lắm. Người chơi phải cầm máy nhiều từ đó rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân. Khi đã có kinh nghiệm thì việc chọn đúng khoảnh khắc sẽ có một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc…”, Khánh Hưng chia sẻ.

Cứ như vậy, Khánh Hưng vừa sáng tác, vừa cộng tác cung cấp những bức ảnh đẹp cho các báo như: Công An, Pháp Luật, Tuổi Trẻ, Mục Tím… để thỏa sức đam mê của mình. Anh chia sẻ thêm, ngày ấy cứ sau mỗi chuyến đi anh đều có những tác phẩm ưng ý cho riêng mình. Năm 1994, Trần Khánh Hưng đã ghi dấu ấn trong làng mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh với giải 3 toàn quốc qua tác phẩm “Hai mẹ con” người dân tộc Stiêng ở Bình Long. Cũng trong năm này, anh được gia nhập hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Khi được chính thức là thành viên của hội, những chuyến đi về với bà con nông thôn, bà con vùng sâu vùng xa trở nên thuận lợi hơn. Khánh Hưng kể, có những năm anh cùng đồng nghiệp về với vùng lũ Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười… giao thông còn khó khăn, đi lại chủ yếu bằng ghe nhưng càng đi thì cảm xúc càng dâng trào, tha hồ cho anh em tác nghiệp. Sau mỗi chuyến thực tế, đồng nghiệp ngồi lại trao đổi về thành quả, đó cũng là lúc cùng nhau học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.

Năm 1998, Khánh Hưng muốn thử sức mình tại đất Bình Dương, rồi nhanh chóng bén duyên với vùng đất xinh đẹp, hiền hòa này mà anh đã xem như quê hương thứ hai. Với kinh nghiệm cầm máy hơn 20 năm, giờ đây Khánh Hưng cũng là một trong những cánh chim đầu đàn tại CLB Nhiếp ảnh Bình Dương.

Ngày nay, các nhiếp ảnh gia đã có sự hỗ trợ rất lớn từ công nghệ, máy móc hiện đại, song Khánh Hưng không quên chia sẻ với chúng tôi về việc trau dồi kỹ năng cơ bản của người cầm máy. Hơn nữa, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng cần đặc biệt chú ý đến cảm xúc của mình để nắm bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất dù là ảnh phong cảnh hay chân dung… Khánh Hưng cho biết sắp tới, anh cùng một số đồng nghiệp sẽ có một chuyến sáng tác mới của mình tại Long Khánh, Đồng Nai. Hy vọng anh sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả những bức ảnh đẹp.

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên