Nên chọn cách phù hợp nhất!

Cập nhật: 21-02-2014 | 00:00:00

Theo Đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), tới đây số môn thi sẽ giảm xuống. Cụ thể, trước đây học sinh thi 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc và 3 môn được công bố vào cuối tháng 3 thì nay chỉ còn 4 môn. Trong đó, 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Xoay quanh vấn đề này đang có nhiều ý kiến đóng góp theo nhiều hướng khác nhau…

Nhiều nhà giáo có kinh nghiệm đã chia sẻ: Sự thay đổi này sẽ làm giảm áp lực đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ với học sinh mà cả giáo viên nên nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận xã hội. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại băn khoăn về 2 môn tự chọn, bởi nếu thực hiện thì sẽ có đến hơn 90% thí sinh sẽ chọn lý, hóa, hoặc sinh là môn thi của mình để thuận lợi cho việc ôn tập kỳ thi vào đại học sau đó. Việc cho học sinh được tự chọn môn thi chắc chắn nhận được sự đồng thuận của đa số học sinh và phụ huynh, song nếu xét cho kỹ thì đây chưa phải là giải pháp tốt vì thực tế ở các trường phổ thông hiện tượng học tủ, học lệch đã diễn ra từ lâu.

Do đó, một số giáo viên cho rằng việc đưa ra phương án cho học sinh tự chọn môn thi ngay trong năm nay là hơi nóng vội, có thể gây khó khăn cho khâu ôn tập bởi có học sinh thi 2 môn này, học sinh thi 2 môn kia, không ôn thi thì không được, mà việc tổ chức lớp để ôn thi thì rất khó khăn. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải định hướng cho học sinh. Theo đó, cứ ôn các môn, sát ngày thi sẽ bốc thăm 2 môn thi còn lại để tránh tâm lý ỷ lại của học sinh - một số giáo viên đã chia sẻ như vậy.

Được biết, sau khi có phương án của Bộ GD-ĐT, ở một vài trường đã làm thử theo phương án tự chọn và kết quả, gần như 90% học sinh đổ dồn vào các môn lý, hóa, sinh; còn các môn xã hội thì các em không chọn nhiều, dẫn đến việc nhà trường không xếp lớp được. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, có một thực tế là nhiều học sinh lười học môn sử, nếu cho tự chọn, nhiều em sẽ không chọn thi môn sử nữa vì cho rằng bài môn sử dài, khó học, như vậy rất tai hại khi học sinh lại không biết lịch sử của đất nước mình!

Cũng theo dự kiến, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, Bộ GD-ĐT còn dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt với tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%; trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này. Đây được xem là một điểm mới có tác dụng động viên, khuyến khích. Nhưng dư luận lại băn khoăn, không phải là tỷ lệ % học sinh được miễn thi mà là tiêu chí để xác định học sinh được miễn thi. Do đó cần có tiêu chí rõ ràng để xét miễn thi, bởi có tiêu chí rõ ràng sẽ tránh được các tiêu cực và góp phần quan trọng để tạo kết quả minh bạch, khách quan, công bằng của kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT.

 

 VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=316
Quay lên trên