Thông tin từ Cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 11 tỉnh, thành trên cả nước. Dịch cúm gia cầm có thể lây lan trên diện rộng, không loại trừ bất cứ địa phương, vùng miền nào. Thực tế là dịch cúm đã có mặt ở Lào Cai, địa phương vùng cao phía Bắc, trải dài tới miền Trung, Tây nguyên với Đắc Lắc, Kon Tum, Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Ở miền Nam, dịch cúm đã xuất hiện ở Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau. Với diễn biến khó lường, có thể nói dịch cúm gia cầm đang “bủa vây” sức khỏe con người.
Trước tình hình cấp bách, Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác khẩn cấp để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tiến hành họp trực tuyến với các địa phương để triển khai kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan sang người. Trong đó yêu cầu các địa phương thực hiện việc đóng cửa các chợ gia cầm sống tối thiểu một ngày/tháng để tiêu độc khử trùng. Các chợ gia cầm sống kèm giết mổ phải có khu giết mổ và bán gia cầm riêng. Nghiêm cấm việc nhập lậu gia cầm…
Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan cấp bộ với nhiều biện pháp hành động được đưa ra và yêu cầu các địa phương nhanh chóng thực hiện đã cho thấy mức độ nguy hiểm của đợt dịch cúm gia cầm hiện tại. Cảnh báo được đưa ra từ Cục Y tế dự phòng cho biết, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người là rất lớn. Điều đáng nói là người dân, đặc biệt là ở các vùng có dịch vẫn rất chủ quan. Người dân vẫn cứ vô tư ăn tiết canh, vẫn giết mổ gia cầm chết để sử dụng! Quả thật đó là một sự coi thường sức khỏe, tính mạng bản thân và cộng đồng ngoài sức tưởng tượng.
Với địa bàn Bình Dương, dù chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm và các cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt các phương án phòng chống nhưng không thể chủ quan trước tình hình dịch bệnh. Nói không thể chủ quan là bởi những địa phương trong vùng gồm Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu dịch cúm gia cầm đã xuất hiện. Hơn nữa, Bình Dương được xem là “cửa ngỏ” để vận chuyển gia cầm từ Tây nguyên, miền Trung về thị trường TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bình Dương cũng là một thị trường có sức tiêu thụ mạnh các loại gia cầm. Trước thực tế đó, bên cạnh các phương án triển khai đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, đòi hỏi mọi người dân phải ý thức cao độ trong hoạt động chăn nuôi và tiêu dùng. Đặc biệt với người tiêu dùng là hãy biết nói không với các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch. Thói quen sử dụng thịt gia cầm ở các chợ cóc, chợ vỉa hè của không ít người dân cũng nên loại bỏ, ít nhất là trong thời điểm hiện tại nếu không muốn “rước họa vào thân”!
TRIỆU PHONG