Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Cần tạo nhiều sân chơi, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa

Cập nhật: 10-07-2015 | 08:39:15

 Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp UBND tỉnh lần thứ 84 thông qua báo cáo sơ kết 4 năm về “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015”. Theo đó, ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng sân chơi, “nâng chất” đội ngũ cán bộ văn hóa, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa.

 Đa dạng hoạt động

Có dịp theo Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh đến biểu diễn phục vụ người dân ở một số vùng xa trong tỉnh, hay các khu công nghiệp nơi có đông công nhân lao động, mới cảm nhận được nhu cầu giải trí của người dân. Khi nghe có đoàn văn nghệ về biểu diễn, từ sớm nhiều người dân đã đưa con em đến xem. Trước “cơn khát” tinh thần của nhân dân, ngành VH-TT&DL đã xây dựng kế hoạch biểu diễn trong năm qua với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết, mỗi năm Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động tỉnh tổ chức từ 120 đến 140 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân. Lồng ghép trong các đêm văn nghệ là đợt tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…

Thư viện tỉnh thu hút đông bạn trẻ đến mượn, đọc sách. Ảnh: T.LÝ

Ngoài việc được xem, người dân còn mong muốn được đọc, tìm hiểu tri thức để nâng cao hiểu biết, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, công việc. Mỗi ngày, các thư viện (TV) trong tỉnh đón tiếp hàng chục, đến hàng trăm lượt khách đến đọc, mượn sách. Từ nhu cầu đó, tỉnh đã xây dựng TV tỉnh, huyện, thị, thành phố; 24 TV cấp xã và 45 điểm bưu điện văn hóa xã. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống TV công cộng đã bổ sung hơn 111.000 bản sách, nâng tổng số sách lên 521.000 bản sách, báo, tạp chí. Phát huy các hoạt động văn hóa nghệ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, ảnh đẹp Bình Dương… thu hút hàng trăm tác giả gửi tác phẩm dự thi.

Giữ gìn, trùng tu, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cũng được ngành VH-TT&DL quan tâm để nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 50 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận và xếp hạng quốc gia, di tích cấp tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, hiện nay, các loại hình văn hóa phi vật thể như: Múa bóng rỗi, chạm khắc gỗ, vẽ tranh trên kính… được nghiên cứu và sưu tầm, đặc biệt là loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Qua điều tra, toàn tỉnh hiện có 59 câu lạc bộ với hơn 800 hội viên tham gia. Riêng Bảo tàng tỉnh cũng đã sưu tầm gần 30.000 tài liệu, hiện vật trưng bày, mỗi năm đón từ 150.000 - 180.000 lượt khách đến tham quan.

Dần nâng chất

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân không phải đụng đâu diễn đó mà phải có cơ sở vật chất đầy đủ, cố định. Do đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu thưởng lãm, vui chơi, giải trí cho người dân. Tỉnh đã đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Sân vận động có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, di tích Lịch sử Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, trùng tu tôn tạo Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ… Cấp xã có 35/91 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Ngoài thiết chế văn hóa do tỉnh đầu tư, công tác huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng thiết chế cũng được tỉnh khuyến khích. Trong nhiều năm qua, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư nhiều công trình văn hóa, thể thao ngoài công lập với cơ sở vật chất khá khang trang và đạt chuẩn, tài trợ tổ chức các hội thi, hội thao chuyên nghiệp góp phần nâng mức hưởng thụ của nhân dân. Bên cạnh việc xây dựng thiết chế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành VH-TT&DL cũng được “nâng chất” thông qua việc cử đi bồi dưỡng, đào tạo thêm chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, mặc dù đã nỗ lực nhiều nhưng phát triển văn hóa vẫn chưa tương xứng với tầm vóc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguyên nhân, việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa chưa chú trọng yếu tố hiệu quả và tính khả thi, chưa có sự đồng bộ giữa đầu tư xây dựng với công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ. Mặt khác, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở do chế độ, chính sách chưa phù hợp, không tuyển dụng được người có trình độ thích hợp đáp ứng yêu cầu vị trí công tác. Việc đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn, không theo kịp yêu cầu phát triển của ngành.

Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, để có thiết chế văn hóa xứng tầm với sự phát triển kinh tế cần rất nhiều yếu tố như phải có chế vận hành, bộ máy nhân sự đồng bộ, xây dựng phải tính đến phương án sử dụng. Ngành VH-TT&DL cần xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa yêu nghề, nhiệt tình với công tác để tạo nhiều sân chơi vui, bổ ích cho người dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, ưu tiên đất xây dựng thiết chế văn hóa, tăng nguồn nhân lực quản lý văn hóa.

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=664
Quay lên trên