Sau hơn 3 tháng đồng lòng, chung sức cùng với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, người dân các địa phương đang rất phấn khởi với lộ trình mà tỉnh đã đưa ra để từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội tùy theo điều kiện, mức độ phòng, chống dịch bệnh. Tại nhiều địa phương, người dân đã có bước chuẩn bị kỹ càng để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Nhiều cửa hàng kinh doanh đã sẵn sàng hoạt động lại sau hơn 3 tháng đóng cửa
Khôi phục lại hoạt động kinh doanh
Sáng 1-10, theo ghi nhận của phóng viên, dù UBND tỉnh chưa có chỉ thị hay thông báo chính thức trở về trạng thái “bình thường mới”, nhưng theo quan sát, nhiều người dân đã rất phấn khởi mong chờ mở lại các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi nói về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục lại hoạt đông kinh tế - xã hội, ông Đoàn Trần Độ, tiểu thương buôn bán ở khu dân cư Phú Hòa I, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua, việc buôn bán của cửa hàng gặp nhiều khó khăn khi tỉnh quy định thực hiện giãn cách. Cùng với đó, tâm lý lo sợ dịch bệnh làm cho nhiều người dù có nhu cầu nhưng cũng ngại ra khỏi nhà khiến hoạt động kinh doanh không như ngày trước. “Nếu tỉnh nới lỏng giãn cách với việc cho người dân đủ điều kiện lưu thông, đi lại tôi nghĩ việc kinh doanh sẽ dần hồi phục, đời sống người dân sẽ dần ổn định trở lại như trước. Trong tình hình này, vì quyền lợi và an toàn của bản thân, người buôn bán như chúng tôi sẽ bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh”, ông Độ chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, người dân cho biết nhiều cửa hàng mở cửa chủ yếu để “lấy ngày”. Sau 3 tháng đóng cửa, ai cũng nóng lòng muốn mở cửa để tạo động lực sẵn sàng cho giai đoạn mới. Tại khu vực chợ Thủ Dầu Một, hoạt động chợ truyền thống vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, chỉ có một số hộ sống khu phố chợ đã bắt đầu mở buôn bán. Tuy vậy, các hộ kinh doanh tại đây cho biết việc kinh doanh vẫn khó khăn, chưa có nhiều khách đến mua hàng như trước.
Bà Lê Thị Hồng Phương, hộ kinh doanh thực phẩm trên đường Nguyễn Thái Học, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết trở lại buôn bán bản thân rất mừng nhưng cũng sợ lây nhiễm dịch bệnh, thế nhưng nếu ở nhà thì không có thu nhập. “Tôi hoan nghênh địa phương nới lỏng giãn cách để khôi phục kinh tế. Chỉ mong dịch bệnh sớm hết để mọi người có thể an tâm lao động, bảo đảm thu nhập”, bà Phưong nói.
Không chủ quan, lơ là
Không chỉ các hộ kinh doanh buôn bán háo hức, nhiều công nhân lao động cũng nóng lòng với việc tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”. Anh Nguyễn Văn Hồng, công nhân Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát chi nhánh Bình Dương, cho biết đã nghỉ làm ở nhà gần 3 tháng nay, không có thu nhập nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nay biết thông tin tỉnh sắp trở về trạng thái “bình thường mới”, anh rất phấn khởi. Công ty của anh cũng mới có thông báo cho người lao động đăng ký chuẩn bị đi làm trở lại. “Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, tôi vẫn tiếp tục tuân thủ thực hiện nghiêm thông điệp ”5K” của Bộ Y tế và sẽ quét mã QR tại các địa điểm như chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm, nhà máy. Dù “bình thường mới” nhưng dịch bệnh vẫn còn khó lường nên mọi người vẫn cần nâng cao cảnh giác”, anh Hồng nói.
Trở về trạng thái “bình thường mới” để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, người dân, chủ cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp... không được có tâm lý chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục tuân thủ nghiêm những quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều địa điểm kinh doanh, ngoài việc chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, bảo đảm cơ sở vật chất tốt nhất để phục vụ khách hàng, nhiều cửa hàng còn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của địa phương với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Anh Phạm Minh Nguyên, quản lý cửa hàng Bách Hóa Xanh (phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên), cho hay hệ thống cửa hàng đã triển khai kế hoạch kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, ngoài việc bảo đảm nguồn hàng dồi dào để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của người dân, cửa hàng tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: Thực hiện việc khai báo y tế bằng quét mã QR, yêu cầu nhân viên và khách hàng tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế...
Đến nay, 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh đều đã công bố “vùng xanh” và từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nới lỏng việc đi lại của người dân. Nhiều người dân mong muốn các chính sách quy định tiếp theo của tỉnh sẽ tiếp tục là động lực để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ dần trở lại bình thường, từ đó góp phần ổn định cuộc sống người dân.
MINH DUY - ĐỖ TRỌNG