Chia sẻ bài viết lên facebook

Người lao động tiêm đủ liều vắc xin và khỏi bệnh Covid-19 không phải xét nghiệm

Cập nhật: 02-10-2021 | 09:14:38

Thời gian qua, người lao động ở các địa phương đổ xô đi xét nghiệm kể cả người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc người vừa khỏi bệnh Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí, gây tốn kém cho doanh nghiệp và cả người lao động.


Người lao động đã tiêm đủ liều vắc xin và khỏi bệnh Covid-19 không phải xét nghiệm Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã ghi nhận một số trường hợp người dân, đơn vị triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh để định lượng kháng thể. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với vi rút SARS-CoV-2. Xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm vi rút và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Tại Bình Dương, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt công văn của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh, các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây ra tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác truyền thông cho người dân về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cho phép.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các huyện, thị, thành phố đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán các loại sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2; về xuất xứ, nguồn gốc, bảo quản và hồ sơ pháp lý các loại kit test nhanh đang lưu hành trên thị trường, bảo đảm bình ổn giá cho người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị thực hiện mua, bán các loại kit xét nghiệm phải công bố đủ điều kiện trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã quy định rất rõ đối tượng người lao động xét nghiệm Covid-19 tại Văn bản số 8228/BYT-MT để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa phương trong tình hình mới. Theo đó, tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.

Tần suất xét nghiệm sẽ tùy thuộc mức độ nguy cơ về dịch bệnh. Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao, thực hiện xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp và tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng, tổ sản xuất, quản đốc, phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân...). Tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ, bảo đảm thực hiện xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, đồng thời xét nghiệm tối thiểu từ 5 - 10% người lao động có nguy cơ cao.

“Không thực hiện xét nghiệm đối với người tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Nếu thực hiện xét nghiệm chỉ là khuyến khích, không bắt buộc với các trường hợp này. Các cơ sở có thể thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 thì cần phải được hướng dẫn của trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế cấp huyện”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên. Kết quả xét nghiệm phải được báo ngay cho trung tâm y tế quận, huyện nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh trú đóng. Đối với lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện.

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên