Người Việt thấp nhất khu vực

Cập nhật: 03-10-2013 | 00:00:00

Ba thập kỷ qua, người VN chỉ cao trung bình thêm khoảng 4cm. So với các nước ở Đông Nam Á được khảo sát, chiều cao trung bình của người Việt là thấp nhất. GS.TS Nguyễn Công Khẩn - cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - nói:

 

Theo các chuyên gia, ngoài học, trẻ còn phải được chơi để kích thích

tăng trưởng chiều cao

Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia gần đây, chiều cao trung bình của nam thanh niên 22-26 tuổi ở VN là 1,642m (điều tra của Bộ Y tế là 1,644m), nữ giới là 1,534m. Nhìn ra những nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc..., chiều cao của người VN thấp nhất. Tuy nhiên, phải nói là người VN chưa phát triển hết được tiềm năng về chiều cao, vì theo dõi trẻ có cha mẹ đều là người Việt sống ở Paris (Pháp) từ sơ sinh đến 18 tuổi thì thấy rằng chiều cao của các bạn tương đương với người Pháp. Điều đó chứng tỏ người Việt hoàn toàn có thể phát triển được chiều cao.

Thưa ông, vì sao những thập kỷ gần đây kinh tế phát triển hơn hẳn giai đoạn trước nhưng chiều cao người Việt cải thiện không đáng kể?

“Sữa học đường”

Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết đang xây dựng chương trình sữa học đường để trình Chính phủ vào năm sau. Theo đó, sẽ có 400.000 trẻ nghèo, đang sống ở 62 huyện nghèo nhất nước được tham gia chương trình, trong đó các trẻ học sinh mầm non được uống 2 lần/ngày (mỗi lần 110ml sữa nước), học sinh tiểu học được uống 180ml sữa nước/ngày.

Theo dự kiến của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trước mắt chương trình kéo dài đến năm 2020 với kinh phí khoảng 210.000 tỉ đồng.

- Vấn đề ở chỗ trước đây trẻ em VN suy dinh dưỡng thời gian dài, muốn cải thiện đòi hỏi một thời gian khá lâu. Người ta vẫn nói muốn cải thiện phải chờ hai thế hệ. Muốn cải thiện chiều cao nhanh chóng, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ từng giai đoạn. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là can thiệp ở giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, khi các bệnh nhiễm khuẩn còn nhiều cũng ảnh hưởng đến thể lực của trẻ em. Nên song song với cải thiện chiều cao, tăng cường thể lực cho trẻ, còn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Muốn cải thiện chiều cao, theo ông, giải pháp nào là hợp lý với điều kiện VN hiện nay?

- Kinh nghiệm của nhiều nước là phải chú trọng dinh dưỡng từ thời kỳ bào thai. Kế đó giai đoạn 2-3 năm đầu đời là rất quan trọng đến phát triển chiều cao. Quan trọng phải cho trẻ bú sữa mẹ, sau đó thì cho ăn đa dạng, đủ chất, phòng chống thiếu sắt, thiếu vitamin và các vi chất. Về thực phẩm, vừa phải đảm bảo sạch và đa dạng. Đây là những điều kiện cần thiết để cải thiện chiều cao. Ngoài giai đoạn trẻ 2-3 tuổi, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy có thể can thiệp ở lứa tuổi học đường và Nhật cũng xem đây là giai đoạn mấu chốt. Ở giai đoạn này, nên đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn. Có một chương trình Nhật Bản đang hỗ trợ VN là thiết kế thực đơn bữa ăn trường học. Ngoài ra, một chương trình cần cân nhắc là sữa học đường. Nhật Bản sau chiến tranh rất khó khăn nhưng họ cũng xây dựng chương trình sữa học đường để phát triển chiều cao trẻ em.

Hormone tăng trưởng (GH) thường có tác dụng ở thời điểm 10g đêm trở đi, khi trẻ đã ngủ ngon. Nhưng lúc đó hầu hết học sinh VN thường vẫn đang phải học bài, chưa kể điều kiện tập luyện thể thao ở VN cũng rất hạn chế?

- Chưa có nghiên cứu nào cho rằng học sinh học nhiều sẽ ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng. Nhưng khi nói đến hormone này là nói về sự hài hòa trong chơi và học, nghỉ ngơi để đạt mục tiêu phát triển. Ngoài giờ học, trẻ phải được chơi, chơi cũng là thứ kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, thể thao có tác dụng tốt với tăng trưởng chiều cao, đặc biệt là các môn như bơi lội...

 Chiều cao nam, nữ thanh niên trong khu vực

Gần đây có những nghiên cứu cho rằng chiều cao thanh thiếu niên VN đã có cải thiện đáng kể ở thành thị. Nhưng khi khảo sát rộng thì lại cho kết quả thấp nhất khu vực. Theo ông, có phải các nghiên cứu trước đây chưa chính xác?

- Trong 2-3 thập kỷ vừa rồi, tôi có nói gia tốc phát triển chiều cao người Việt đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chiều cao có tăng nhưng không đồng đều. Ở các khu vực thành thị, thanh thiếu niên đã cao hơn thế hệ trước nhiều, nhưng các khu vực vùng núi, vùng sâu thì cải thiện không đáng kể. Chiều cao trung bình xét ở diện rộng vì thế còn hạn chế cũng thể hiện sự chưa liên tục ở chương trình dinh dưỡng và can thiệp hợp lý. Theo tôi, nếu can thiệp liên tục 20 năm nữa chiều cao trung bình của người Việt sẽ đạt mức của Hàn Quốc hiện tại.

TP.HCM: nam sinh 18 tuổi cao 1,683m

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết năm 2009 Trung tâm Dinh dưỡng TP đã thực hiện ba điều tra cắt ngang về tình trạng dinh dưỡng (cân nặng, chiều cao và BMI trung bình) của học sinh ở các cấp tiểu học (776 học sinh), trung học cơ sở (1.650 học sinh) và phổ thông trung học (1.404 học sinh). Qua các điều tra này, ở cấp trung học phổ thông, chiều cao trung bình học sinh nam ở TP.HCM lúc 15 tuổi là 1,651m, lên 18 tuổi là 1,683m; ở nữ sinh là 1,546m và 1,545m (do độ tuổi này sự phát triển chiều cao không đồng đều nhau, có em cao chậm hoặc ngừng cao sau 15 tuổi).

Từ tháng 1-2013, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của TP.HCM. Mục tiêu của TP đến năm 2015, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân TP. Bên cạnh đó, chiều cao của trẻ 5 tuổi tăng được 1cm cho cả trẻ trai và trẻ gái, chiều cao của thanh niên theo giới tăng 1cm so với năm 2010.

Cũng theo bác sĩ Ngọc Diệp, để trẻ tăng trưởng tối đa chiều cao, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ cả quá trình lâu dài, từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ cho đến hết tuổi dậy thì. Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, cha mẹ phải chú ý yếu tố tác động giúp phát triển chiều cao khác là việc vận động cơ thể của trẻ. Ngoài các môn thể dục thể thao, quan trọng hơn là trẻ phải được vận động hằng ngày ở ngoài trời; vận động bằng những hoạt động có động tác đè nhẹ lên các đầu xương thì trẻ sẽ phát triển chiều cao tốt hơn, như chơi các môn bóng, chạy, đi bộ, làm công việc nhà. Trẻ cũng cần được chích ngừa đầy đủ để phòng bệnh, nếu bị bệnh trẻ sẽ bị chậm phát triển tầm vóc.

Đặc biệt, trẻ phải được ngủ đủ giấc vào buổi tối và buổi trưa. Không được thức khuya, nếu thức khuya thì các hormone tăng trưởng không được tiết ra nhiều cũng làm chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Theo tuoitre.vn

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=563
Quay lên trên