Năm 2015 có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng đại. Vì thế, số lượng các ca khúc truyền thống cách mạng chiếm ưu thế trong các chương trình văn hóa nghệ thuật ở Bình Dương.
Tiết mục “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi” của Đội nghệ thuật quần chúng
TX.Dĩ An. Ảnh: THỤC VĂN
Tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm chương trình nghệ thuật, liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Những chương trình chủ yếu chào mừng và tuyên truyền về 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng các cấp…
Để chào mừng những ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng rất thiết thực. Tại mỗi chương trình, các đơn vị đã có sự đầu tư dàn dựng công phu, đem đến cho khán giả và ban giám khảo nhiều màn trình diễn đặc sắc và ý nghĩa. Đặc biệt, số lượng các diễn viên quần chúng trẻ tuổi như công nhân, sinh viên, học sinh, thiếu niên nhi đồng tham gia dự thi cũng ngày càng nhiều.
Biên đạo múa Lý Anh Duyên (TX.Dĩ An) cho biết, mỗi khi dàn dựng những chương trình văn nghệ ca ngợi truyền thống cách mạng Việt Nam thì Anh Duyên cảm thấy hào hứng. Những giai điệu hào hùng của dân tộc đã cuốn hút, khơi gợi cho Anh Duyên nhiều ý tưởng mới trong dàn dựng, tạo cho Anh Duyên cảm giác hăng say khi luyện tập cùng các bạn trong đội. “Những ca từ vừa hùng tráng vừa dạt dào cảm xúc yêu thương trong những ca khúc cách mạng đã giúp em hiểu thêm về lịch sử đầy tự hào của dân tộc. Điều đó đã thắp lên trong em niềm tin vào cuộc sống, thôi thúc em phải biết sống có lý tưởng và luôn sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần”, ca sĩ Quang Cường (TP. Thủ Dầu Một) chia sẻ.
Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh cho biết: “Nhìn chung các chương trình nghệ thuật, những hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng trong tỉnh đều được tổ chức khá quy mô và các tiết mục truyền thống cách mạng được đầu tư dàn dựng, biểu diễn một cách trang trọng. Các ca sĩ biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật truyền thống phần vì đam mê, phần vì muốn thể hiện tình cảm tri ân của mình với thế hệ đi trước”. “Nhạc truyền thống cách mạng cuốn hút là vậy, rất dễ đi vào lòng người, vì thế nó dường như chiếm trọn con tim người Việt mỗi khi thưởng thức. Nhưng để dòng nhạc này không bị mai một đòi hỏi nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân chứ không thể chỉ là nỗ lực của một vài ca sĩ, nghệ sĩ trong các hội thi, hội diễn”, nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến nói thêm.
THỤC VĂN