Sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt trong nhiều tháng qua, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc dường như đang có những động thái vãn hồi căng thẳng.
Việc chính quyền Hàn Quốc chủ trương kéo dài Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) kèm theo một số điều kiện với Nhật Bản và mới đây nhất là Hàn Quốc tuyên bố soạn thảo một dự luật về việc thiết lập quỹ để giải quyết vấn đề lao động thời chiến, nguyên nhân chính khiến quan hệ Tokyo - Seoul rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua được xem là những bước đi chủ động của “xứ sở kim chi” nhằm gỡ nút thắt trong quan hệ với “xứ sở mặt trời mọc”.
Kéo dài GSOMIA
Ngay trước thời điểm GSOMIA hết hiệu lực vài giờ, một số phương tiện truyền thông Nhật Bản đã thông tin nhanh về khả năng hiệp định này sẽ chưa chấm dứt khi nó được "giải cứu vào phút chót". Về phần mình, chính quyền Seoul cũng đã thông báo với Tokyo chủ trương dừng tuyên bố GSOMIA hết hạn, điều này đồng nghĩa với việc hiệp định GSOMIA sẽ vẫn còn hiệu lực.
Mặc dù chưa thể đánh giá được động thái của Hàn Quốc vì chưa rõ các điều kiện mà Seoul sẽ đưa ra là gì, song phía Nhật Bản cho rằng đây có thể là quyết định được đưa ra nhờ một phần “áp lực” từ Mỹ. Thủ tướng Shinzo Abe nhận định quyết định của Chính phủ Hàn Quốc có thể dựa trên quan điểm chiến lược rằng sự hợp tác song phương Nhật Bản - Hàn Quốc và hợp tác ba bên Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc là rất quan trọng trong đối phó với Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, cũng chung quan điểm cho rằng quyết định của Seoul bắt nguồn trên cơ sở nhận định rằng sự liên kết Nhật Bản - Mỹ, Nhật Bản - Hàn Quốc và Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc là rất quan trọng trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực Đông Á đang diễn biến phức tạp.
Chỉ một ngày sau khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định kéo dài có điều kiện GSOMIA với Nhật Bản, Ngoại trưởng hai nước là Kang Kyung Wha và Toshimitsu Motegi, tại cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Nagoya, Nhật Bản ngày 23-11, cũng đã thảo luận khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Shizo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc được lên kế hoạch trong tháng 12 này. Nếu được nhất trí, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ tháng 9-2018.
GSOMIA là hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 2016 nhằm đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Tháng 8-2019, Seoul quyết định không gia hạn hiệp định sau khi Tokyo công bố các quy định hạn chế xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, khiến GSOMIA có thể hết hiệu lực từ 0 giờ ngày 23-11.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng việc Seoul kéo dài thời gian hiệu lực của GSOMIA được xem là động thái bất ngờ vì trước đó cả Tokyo và Seoul vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường cứng rắn của mình xung quanh vấn đề này.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Chủ động giải quyết khúc mắc
Tiếp theo quyết định của Hàn Quốc kéo dài thời gian hiệu lực với GSOMIA, ngày 28-11, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang thông báo soạn thảo một dự luật về việc thiết lập một quỹ để giải quyết vấn đề lao động thời chiến - nguyên nhân chính khiến quan hệ Nhật-Hàn rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo đó dự luật này quy định quỹ trên sẽ được thiết lập với sự tham gia của chính phủ và doanh nghiệp của cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Với mức chi tổng cộng 300 tỷ won (27,7 tỷ yen) cho 1.500 người, trong đó có những lao động bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945. Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng dự luật sẽ được thông qua trong năm nay.
Mặc dù chưa không khai chi tiết cụ thể, quỹ giải quyết vấn đề lao động thời chiến trước đó được Tổng thống Moon Jae-in đề xuất thành lập trong chuyến thăm Tokyo hồi đầu tháng 11. Theo dự luật trên, quỹ hiện tại dành cho các lao động thời chiến trước đây sẽ được chuyển thành quỹ mới, trong đó các công ty và người dân của cả hai nước có thể đóng góp tài chính. Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi gần 5 tỷ won/năm cho việc vận hành quỹ.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ sử dụng 6 tỷ won từ một quỹ hỗ trợ cho những “phụ nữ mua vui” do Nhật Bản tài trợ nhưng đã bị giải thể để tài trợ một phần chi phí về việc thành lập quỹ. “Phụ nữ mua vui” là thuật ngữ sử dụng để nói về những người phụ nữ làm nô lệ tình dục cho các binh sĩ Nhật Bản trong giai đoạn trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á chưa thể giải quyết, đặc biệt sau vụ tháng 12 năm ngoái một tàu khu trục của Hàn Quốc được cho là khóa radar kiểm soát hỏa lực vào một máy bay tuần tra của Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cáo buộc máy bay tuần tra Nhật Bản đã cố ý bay ở độ cao thấp.
Đến tháng 7 vừa qua, Nhật Bản lại siết chặt quản lý xuất khẩu đối với một số nguyên liệu quan trọng cho các nhà sản xuất bán dẫn của Hàn Quốc - một động thái mà Seoul coi là hành động trả đũa của Tokyo đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc về vấn đề lao động cưỡng bức, dẫn tới phong trào tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc, giới phân tích cho rằng quyết định duy trì có điều kiện GSOMIA và nỗ lực giải quyết vấn đề lao động thời chiến của Hàn Quốc trong thời điểm hiện nay được coi là những động thái “nới lỏng” nút thắt trong quan hệ song phương.
Nó cũng đúng với tính thần mà Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon đưa ra nhân dịp ông Lee tham dự lễ đăng quang Nhật hoàng Naruhito: “Mặc dù quan hệ hai nước đang ở trong tình hình hình hết sức khó khăn bởi nhiều vấn đề bất đồng nhưng trong bối cảnh hiện tại không thể bỏ mặc mối quan hệ này như thế”.
Theo TTXVN