Bolivia vẫn rối loạn sau khi ông Morales ra đi. “Cảm ơn vì đã cứu mạng”, cựu Tổng thống Morales nói với Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard sau một chuyến đi đầy “bão táp” vì một số nước Mỹ Latin từ chối cho ông bay qua không phận của họ.
Từ Mexico, ông Morales cáo buộc Mỹ liên quan tới “kế hoạch đảo chính” tại Bolivia, đồng thời khẳng định sẽ về nước đấu tranh giành lại chính quyền.
Chuyến đi của cựu Tổng thống Bolivia đã vượt qua nhiều không phận và cả “các quyết định chính trị khác nhau”. Khởi hành từ Lima, Peru, chiếc máy bay của không lực Mexico đã hạ cánh xuống sân bay nhỏ ở thành phố Chimore, thuộc tỉnh Cochabamba, Bolivia ngày 11-11, sau các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Chính phủ Mexico và quân đội Bolivia.
“Khi đón được ông Evo Morales, máy bay dự tính quay lại Peru, sau đó bay qua vùng biển quốc tế và tới Mexico”, tờ Los Tiempose cho biết, nhưng Chính phủ Peru đã từ chối cho phép ông Evo Morales hạ cánh xuống Lima. Ngoại trưởng Ebrard sau đó đã phải dùng đến kế hoạch B: đàm phán với Paraguay để xin được tiếp nhiên liệu cho máy bay ở Asunción. Chiếc máy bay chở cựu Tổng thống Morales sau đó dự định vòng lại và bay qua Bolivia một lần nữa nhưng quân đội Bolivia cũng từ chối.
Ông Morales và đoàn hộ tống của Mexico lúc này mới cất cánh từ Asunción tới Mexico bằng cách “sử dụng không phận Brazil”, Los Tiempose nói thêm. Nhưng để vào Mexico, máy bay phải bay vòng quanh Ecuador, quốc gia cũng từ chối cho ông Morales bay ngang. Một “hành trình xuyên thấu nền chính trị Mỹ Latin”, ông Marcelo Ebrard cho biết.
Trong cuộc họp báo đầu tiên ở thủ đô Mexico ngày 13-11, ông Morales lên tiếng chỉ trích những kết luận của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) về cuộc bầu cử ngày 20-10 tại Bolivia. Thực tế, kết luận của OAS đã thổi bùng căng thẳng ở Bolivia trong vài tuần vừa qua và đỉnh điểm là khiến ông Morales phải tuyên bố từ chức, sang Mexico tị nạn trong bối cảnh quân đội và cảnh sát đã không còn ủng hộ ông.
Cựu Tổng thống Bolivia nhận định, động thái của OAS là nhằm ủng hộ phe cánh hữu đối lập với ông và cho rằng đó là một cuộc đảo chính. Thực tế, ngay cả khi ông đã rời khỏi đất nước, tình hình ở Bolivia vẫn đang bất ổn. Ông Morales cũng chỉ trích hành động tự xưng làm Tổng thống lâm thời Bolivia của Phó Chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez và kêu gọi đối thoại để chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay.
Tổng thống tạm quyền Bolivia Jeanine Anez.
Cuối buổi họp báo, ông Morales tự tin khẳng định rằng “chúng tôi sẽ trở về Bolivia chẳng sớm thì muộn”. “Nếu nhân dân yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng trở về để làm dịu tình hình” - cựu Tổng thống Bolivia tuyên bố.
Trong lúc này tình hình tại Bolivia tiếp tục rối loạn. Trên đường phố, bạo động vẫn tiếp diễn, đồn bốt cảnh sát ở nhiều thành phố bị phóng hỏa, đập phá. Quân đội thông báo phối hợp với cảnh sát để ổn định lại trật tự. Tại thành phố El Alto, gần thủ đô La Paz, ngày 11-11, nhiều nhóm được trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh nhau với những người ủng hộ phe đối lập.
Họ hét vang: “Bây giờ thì đã có nội chiến rồi đấy!”. Dân chúng hoảng sợ, ngồi trong nhà cả ngày, mắt dán vào màn hình theo dõi các trang mạng xã hội, nơi lan truyền rất nhiều tin giả, chẳng hạn như lệnh giới nghiêm được ban bố hay các nhóm chiến binh đã được triển khai trong thành phố.
Nhưng điều mà tất cả mọi người chờ đợi là thông báo của tướng Kaliman, tư lệnh các lực lượng vũ trang. Vị chỉ huy này phát biểu: Lực lượng cảnh sát đã quá tải. Theo nghĩa vụ được quy đinh trong hiến pháp, quân đội chấp thuận hợp tác với cảnh sát để tham gia giữ gìn trật tự. Vì thế, các binh sĩ phối hợp với lực lượng cảnh sát để tái lập trật tự tại thủ đô.
Nếu sự can thiệp của quân đội là đòi hỏi của nhiều người dân thì quyết định này cũng gợi lại những thời khắc đen tối trong lịch sử Bolivia. Tuy nhiên, tướng Kaliman đã trấn an người dân Bolivia: Không bao giờ quân đội nổ súng vào người dân. Ngày 13-11, tại thủ đô La Paz, nhiều người biểu tình từ các nơi đã đổ về, diễu hành qua các đường phố lớn yêu cầu khôi phục chức vụ cho ông Morales.
Tờ Libération của Pháp ngày 14-11 ca ngợi thành quả của ông Morales trong bài: “Evo Morales bị quét đi nhưng thành quả điều hành của ông vẫn bám rễ”. Theo tờ báo, người thổ dân đầu tiên được bầu làm Tổng thống Bolivia đã phải từ chức sau 14 năm cầm quyền và sau 3 tuần biểu tình phản đối dữ dội, bị quân đội bỏ rơi. Thế nhưng, khi đương chức, ông đã tiến hành được một chính sách đầy cao vọng và hữu hiệu trong việc giảm bất công.
Đối với Libération, ở phương Tây, cánh tả ít nhắc đến kinh nghiệm cải cách xã hội của Bolivia mà luôn nêu cao các trường hợp như Lula ở Brazil hay Hugo Chavez ở Venezuela, hoặc Rafael Correa ở Ecuador hay José “Pepe” Mujica ở Uruguay. Thế nhưng, dù không có mấy sức thu hút quần chứng, Evo Morales lại là người đã thực hiện được công trình to lớn là cải thiện tình trạng Bolivia, giảm bất công có hiệu quả.
Trong lễ nhận chức tổng thống tạm quyền, bà Jeanine Anez tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử sớm nhất có thể đồng thời kêu gọi một quá trình chuyển giao dân chủ và hòa bình. Với việc bà Anez tuyên bố trở thành Tổng thống tạm quyền, lấp đầy khoảng trống chính trị sau quyết định từ chức của ông Morales, giới quan sát nhận định bà Anez sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc ổn định tình hình tại một quốc gia đang bị phân cực sâu sắc hiện nay.
Dư luận quốc tế tiếp tục phản ứng về khủng hoảng chính trị ở Bolivia. Tại Pháp, các lãnh đạo và các tổ chức cánh tả đã lên án sự dính líu của các thế lực bên ngoài trong cuộc đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ này. Trong một tuyên bố ngày 11-11, Bí thư toàn quốc đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cho rằng phe cánh hữu ở Bolivia đã “thêu dệt” về sai sót trong bầu cử tổng thống để làm cớ kích động bạo lực.
Trong khi đó, nhóm Francia-América Latina Insumisas tuyên bố cuộc đảo chính ở Bolivia là một phần trong phản ứng của Mỹ và OAS - tổ chức bị coi là sân sau của Washington tại Mỹ Latin, chống lại tiến trình dân chủ và xã hội đang phát triển tại khu vực này. Tổ chức ALBA-TCP France cũng lên án “sự can thiệp của nước ngoài và đế quốc vào Bolivia” và yêu cầu chấm dứt hành động này.
Theo CAND