Không phản ánh hiện thực cuộc sống, tác phẩm sẽ trở nên vô hồn, chẳng mang thông điệp gì. Nhiếp ảnh lại cần hơn nữa từng khoảnh khắc của cuộc sống…
Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trong các đợt tổ chức tập huấn, trại sáng tác chuyên nghiệp cho Phân hội Nhiếp ảnh, hội viên (HV) đã tự mình đi sâu vào cuộc sống để “săn” những bức ảnh đẹp. Năm 2017 tiếp tục là một năm thành công của nhiếp ảnh Bình Dương. Ảnh nghệ thuật cũng phải từ hơi thở cuộc sống mới đẹp và có sức hút với người xem ảnh.
Một tác phẩm ảnh chủ đề Đờn ca tài tử của Nguyễn Anh Tuấn (TX.Thuận An)
Chuyên ngành nhiếp ảnh năm nay được đánh giá là “có nhiều hoạt động khá sôi nổi và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp”. Nói như anh em nghệ sĩ bộ môn nhiếp ảnh thì đây là cuộc chơi tốn kém, công phu. Thế nên nếu không đam mê, khó có thể “làm nên chuyện” bởi những tấm ảnh chụp được sẽ khô khan, đơn điệu. Từ những đợt “vác máy đi săn ảnh” này, anh chị em HV Phân hội Nhiếp ảnh mới có được tác phẩm để tham dự triển lãm các dịp lễ, tết theo chủ đề như: Hoa viên Xuân Bạch Đằng phục vụ Tết Nguyên đán; Bình Dương 20 năm thành tựu và phát triển phản ánh đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; Triển lãm ảnh khu vực miền Đông Nam bộ…
Từ những chuyến đi sáng tác, HV nhiếp ảnh ngày càng đông hơn. Đã có nhiều HV của Phân hội Văn học cũng tham gia cho… thỏa chí đam mê sáng tác ảnh như chị Cát Du, chị Nguyễn Phượng. Một trong những lần đi thực tế sáng tác mà anh chị em nhiếp ảnh ấn tượng nhất là Festival Cà phê kết hợp với Lễ hội đua voi Tây nguyên vào tháng 3-2017. Dịp này, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức Trại sáng tác Nhiếp ảnh tại tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cho anh chị em nhiếp ảnh tham gia. Có 26 HV đã tham dự trại này.
Một hoạt động không kém phần sôi nổi của các nghệ sĩ nhiếp ảnh năm nay là bám sát và ghi lại từng khoảnh khắc của Festival Đờn ca tài tử toàn quốc do Bình Dương đăng cai. Trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II, cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật Khoảnh khắc đẹp đã có 354 tác phẩm của 84 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia. Hội đồng thẩm định đã chọn 17 tác phẩm đoạt giải. Trong đó, các tác giả Bình Dương đạt 13/17 giải. Điều này đã nói lên được sức sáng tạo, niềm đam mê của HV nhiếp ảnh với tác phẩm của mình.
Để nâng cao tay nghề cho HV, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cũng đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP.Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ sáng tác ảnh nghệ thuật 2017 cho 40 người tham gia. Nhiều cuộc thi được tổ chức để khuyến khích HV cũng được tổ chức. Một số tác giả được đánh giá cao như: Nguyễn Anh Tuấn với giải nhất cho tác phẩm Phả hồn cho tượng; Trần Công, giải nhì cho tác phẩm Lễ hội đầu xuân. Võ Văn Bông, giải nhì với tác phẩm Nông nghiệp công nghệ cao và giải ba cho tác phẩm Trại nấm của Cát Du… Nếu không đi sâu vào thực tế cuộc sống, không tìm tòi, sáng tạo thì khó có thể thực hiện được những bức ảnh phong phú, sinh động của từng mảng công nghiệp, nông nghiệp, lễ hội… như thành tựu của nhiếp ảnh Bình Dương trong nhiều năm qua.
Vẫn còn những ý kiến nhận xét về hạn chế của nhiếp ảnh như: Nhiếp ảnh Bình Dương hạn hẹp về đề tài sáng tác nên cứ… loanh quanh thể hiện các làng nghề gốm sứ, đời sống ở các khu công nghiệp, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh mẫu rằm tháng giêng hàng năm… Tuy nhiên, cần ghi nhận sự cố gắng của HV nhiếp ảnh. Bởi họ đã thực sự đi đến những miền quê, những nơi có phong cảnh đẹp của đất nước để ghi lại những bức ảnh đẹp về thiên nhiên, con người Việt Nam. Và sau những chuyến đi đó đã có nhiều cái tên mới được xướng danh trong các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, cấp khu vực.
Và cuối cùng, nói như các anh chị HV nhiếp ảnh rằng, đó tất cả đều là “cuộc chơi nghệ thuật” bởi thật khó để mưu cầu danh lợi hay tiếng tăm từ thú đam mê này…
QUỲNH NHƯ