Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 12-4. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng thu hút sự theo dõi của đông đảo công chúng yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc. Tình cảm của những người mến mộ ĐCTT Nam bộ trong và ngoài nước đang hướng về Bình Dương hòa cùng nhịp đập sự kiện Festival.
Là người con của quê hương Ninh Thuận, tôi tự hào với truyền thống ĐCTT lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Ít ai ngờ bộ môn nghệ thuật ĐCTT có sức sống mãnh liệt lâu đời trên vùng đất nắng gió Phan Rang. Xứ sở nổi tiếng với những vườn nho chín đỏ ngọt lịm hòa quyện cùng tiếng hát, nhịp đờn của các tài tử dân gian. Ninh Thuận hiện có khoảng 20 câu lạc bộ, nhóm ĐCTT do Trung tâm Văn hóa tỉnh và các địa phương quản lý như Đạo Long, Bình Quý, Phú Quý, Thanh Hải… thu hút đông đảo người dân tham gia. Ninh Thuận có các điểm hẹn ĐCTT do cố nghệ nhân Hữu Tâm thành lập tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) và điểm hẹn do nghệ nhân Nguyễn Thiện Đức thành lập tại phường Mỹ Hải (TP.Phan Rang - Tháp Chàm). Các điểm hẹn tập hợp những người yêu thích ĐCTT từ các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đến sinh hoạt. Không chỉ người Kinh đam mê ĐCTT mà các gia đình đồng bào Chăm, đồng bào Raglai cũng yêu thích gởi hồn sâu lắng theo những bài bản đờn ca. Đơn cử, gia đình nghệ nhân Lưu Quang Kiệt, dân tộc Chăm, ở xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) yêu thích bộ môn ĐCTT “cha truyền con nối”. Năm anh em ruột gồm Lưu Quang Chanh, Lưu Quang Kiệt, Lưu Quang Anh, Lưu Quang Thọ, Lưu Quang Long thường xuyên tụ họp đờn ca “truyền lửa” cho con cháu bảo tồn và phát huy hoạt động sáng tác, biểu diễn ĐCTT Nam bộ…
Tôi đã gắn bó và viết nhiều tin, bài tuyên truyền hoạt động ĐCTT đăng tải trên các ấn phẩm của báo Ninh Thuận. Tôi thường xuyên đọc báo Bình Dương theo dõi công tác tuyên truyền Fiestival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017. Ngoài thông tin về công tác chuẩn bị cho sự kiện văn hóa quan trọng này, báo Bình Dương đăng tải loạt bài “Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển”. Các bài viết phản ảnh đậm nét đời sống của cư dân các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau gắn bó máu thịt với bộ môn nghệ thuật truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Qua các bài viết đã cung cấp nhiều tư liệu quý cho bạn đọc về sự hình thành, phát triển và sức sống mãnh liệt của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát việc chuẩn bị chu đáo cho Festival ĐCTT Quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017. Tôi tin tưởng rằng Festival lần này diễn ra và thành công tốt đẹp tạo sức phát triển mới trong đời sống của bộ môn nghệ thuật được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
THÁI SƠN NGỌC