Bài 8: Văn chương là niềm đam mê…
Là một trong số ít người hoạt động văn học trước năm 1975 còn lại bây giờ và vẫn sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, ông Bùi Danh Nhựa (Bùi Hải Phong) hiện vẫn không ngừng sáng tác thơ văn, nghiên cứu các phong tục tập quán của người dân ở miền Nam…
Ông Bùi Hải Phong (bìa phải) trong lần tham dự trại sáng tác tại miền Trung do Hội VHNT tỉnh tổ chức. Ảnh: Q.NHƯ
Ông sinh năm 1944 tại Nam Đàn, Nghệ An, nguyên là chuyên viên cao cấp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương. Ông nghỉ hưu năm 2003 và hiện sống tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Kể về quá trình hoạt động cách mạng, ông cho biết, ông xuất thân là một nhà giáo dạy học tại Thái Bình từ 1965- 1972. Ông được điều động chi viện cho công tác giáo dục ở miền Nam.
Mất 3 tháng ông đi từ Bắc vào Nam. Đoạn nào giải phóng thì đi xe đò. Đoạn nào còn bị địch tạm chiếm thì đi bộ, băng đường rừng. Cuối cùng, năm 1973, ông cũng đến được Tây Ninh (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam). Khi vào đến Trung ương Cục miền Nam, do đặc thù công tác ở chiến trường, ông lại được điều sang đơn vị B2 (Tiểu ban văn nghệ “R”) và công tác tại C100. Cán bộ văn phòng Tiểu ban văn nghệ R với công tác chính là trợ lý cho ông Lý Văn Sâm về công tác xuất bản và theo dõi, biên tập tờ Sinh hoạt văn nghệ của B. Ông Lý Văn Sâm khi đó thay cho ông Phạm Quang Nghị được điều ra miền Bắc an dưỡng. Đầu năm 1975, do tình hình chiến sự phát triển tích cực, vùng Lộc Ninh đã trở thành thủ phủ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và một trường cấp II, III đã được thành lập, ông lại được điều động về làm giáo viên cấp III tại đây cho đến ngày giải phóng miền Nam. Năm 1976, Bình Phước sáp nhập với Thủ Dầu Một thành tỉnh Sông Bé. Thời gian chuyển về Chơn Thành cũng như về Thủ Dầu Một, ông được phân công công tác ở bộ phận hành chính của Ty Giáo dục và đảm trách công tác thiết bị dạy học. Đến tháng 8-1976, ông về trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh cho đến năm 1986. Năm 1988, ông được điều sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho đến năm 2003 thì nghỉ hưu...
Chiến tranh với hy sinh mất mát khủng khiếp, chứng kiến đồng đội của mình hy sinh nhưng ông cùng những người làm VHNT luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời kỳ đó, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thuộc các lĩnh vực rất đông, nhưng theo ông là “ai biết việc của người đó và phải luôn thận trọng để không bị lọt tài liệu vào tay địch…”.
Ông hiện là hội viên Hội VHNT Bình Dương, hội viên Hội Sử học Việt Nam. Vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê văn học nên ông vẫn viết và gửi các tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Ông cũng xuất bản 5 tập thơ: Thơ cho người đang yêu, Cầu vồng thu, Trăng và xưa và nay và những con đường, Mềm như trăng một nửa. Tập truyện ký Sự tích bến đá và nghiên cứu Bước đầu tìm hiểu lễ hội Bình Dương của ông cũng đã được NXB Trẻ phát hành năm 1995, 2012. Hơn 20 năm qua, ông vẫn nghiên cứu, sáng tác và đều đặn xuất bản các đầu sách chứng tỏ một sức làm việc bền bỉ, tinh thần trách nhiệm của người cầm bút. Tháng 4-2015 này ông còn viết đơn xin dự học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du với mong muốn nâng cao trình độ sáng tác, phục vụ tốt hơn cho việc viết văn, làm thơ… Ông cũng vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Người thân, bạn văn chương nhìn thấy ở ông một con người cần mẫn. Trong các câu chuyện trà dư tửu hậu, những lần cùng tham dự trại sáng tác, ông vẫn khuyên mọi người sống an nhiên tự tại, biết yêu thương nhau và cố gắng chăm lo cho sức khỏe của bản thân. Khi biết sống vui sống khỏe mới có những vần thơ, trang văn phản ảnh được tình yêu của mình đối với quê hương đất nước, đối với mọi người. Như ông đã từng viết bài Tổ quốc tặng những người lính biển: “Hỏi phía ấy có những gì đó nữa/ Mà bao đời ta máu đổ xương rơi/ Biển trời đây/ Phía ấy/ Đất này/ Như trái tim trong lồng ngực/ Hơi thở phập phồng/ Những giọt máu Việt Nam hòa vào con sóng/ Cứ hồng lên rực rỡ phía trời Đông…
Bài 9: Từ những bức ảnh chiến trường
QUỲNH NHƯ