Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện các nhóm đối tượng tự xưng “Hội thánh Đức Chúa Trời” đã lôi kéo, dụ dỗ người dân đi theo và có nhiều dấu hiệu thu tiền trục lợi. Một số gia đình cóngười thân bị lôi kéo dẫn đến hoàn cảnh gia đình ly tán, bỏ bê học hành, không thiết làm ăn, cóhành vi báng bổ gia đình tổ tiên, gây bức xúc trong dư luận xãhội…
Đã có rất nhiều chia sẻ trên mạng xã hội và báo chí từ những gia đình có người thân tham gia hội này hoặc ngay chính những thành viên của hội vừa thoát khỏi “Hội thánh Đức Chúa Trời”.
Tất cả đều có chung nhận định rằng, khi trót sa chân vào hội hầu hết sẽ đều tan nát gia đình. Đơn cử như mới đây, câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn C. (SN 1984, trú thôn Nam Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có vợ là chị Nguyễn Thị H. (SN 1987) là một điển hình. Chị H. đã đòi bán nhà, bán xe, năm lần bảy lượt bỏ chồng và 3 con nhỏ đi theo cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời” sau khi được một người của hội này rủ rê, mê hoặc. Hay như gia đình anh Đoàn Thế H. ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Anh có vợ là Bùi Thị X. sau khi sinh được cậu con trai tròn 3 tháng tuổi thì mang theo tiền bỏ nhà, bế cả con đi mất tích. Cả gia đình phải lặn lội đi tìm gần tháng trời mới thấy đang ở trong một ngôi nhà chật hẹp, bẩn thỉu với hàng chục người khác. Khi đưa về nhà, chị X. trong tình trạng cứ đơ đơ, rồi đập bỏ hết bát hương trên bàn thờ vì cho rằng “thờ ông bà là thờ ma quỷ”. Vì vậy, nhiều người gọi đó là thứ “bùa mê”, “thuốc lú”, bởi khi vào hội này, đang từ người bình thường trở thành không bình thường, họ xa lánh gia đình, đòi đập bỏ nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà. Không những thế còn mang tiền đi cho “Hội thánh Đức Chúa Trời” rồi bỏ bê công việc; sinh viên, học sinh thì bỏ học giữa chừng…
Theo cơ quan chức năng, hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời” rất tinh vi. Họ thường thuê các địa điểm kín đáo trong các khu dân cư, khi bị phát hiện thì địa điểm này lập tức được giải tán sau đó tiếp tục thuê địa điểm khác để hoạt động. Địa bàn thay đổi từ địa phương này sang địa phương khác gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Thủ đoạn lôi kéo của nhóm người này là thường lợi dụng tâm lý “nhẹ dạ cả tin”, nhằm vào những đối tượng như phụ nữ, trẻ em, sinh viên, những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh trong cuộc sống để tuyên truyền, dễ dàng lấy niềm tin từ họ bởi những lý lẽ như được cứu rỗi, giải thoát và hạnh phúc.
Mới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về “ngày tận thế”… Các đối tượng vi phạm rồi đây sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhưng hơn ai hết, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, tỉnh táo trước những luận điệu tuyên truyền, lôi kéo của các đối tượng xấu để đề cao cảnh giác, tránh không để mình rơi vào những hệ lụy đau lòng.
T.ĐỒNG