(BDO) Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương gần 60 năm qua, tôi luôn tự hào mình đang sống trên vùng đất lành đầy yêu thương. Nay càng tự hào hơn khi Bình Dương có nhiều chương trình giải trí hấp dẫn và ý nghĩa ngợi ca quê hương mình. Trong đó, mới lạ và độc đáo nhất gần đây là chương trình “Tôi yêu Bình Dương” phát trên truyền hình online của Báo Bình Dương.
Kỷ niệm chuyến tham quan Cơ sở sơn mài Định Hòa cùng đoàn đại biểu Ngày hội gia đình Việt Nam tổ chức tại Bình Dương vào tháng 6-2022
Trước đây, tôi thường xem báo, tivi để nắm bắt các thông tin thời sự đó đây và Bình Dương. Bên cạnh đó là các kênh giải trí của các đài truyền hình chính thống như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và Báo Bình Dương online của Báo Bình Dương. Từ khi thấy bạn bè chia sẻ chương trình “Tôi yêu Bình Dương” của Báo Bình Dương trên mạng xã hội, tôi có thêm niềm vui để cùng chuyện trò với nhóm “bà tám” của mình.
[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]
Các thành viên “bà tám” đều là người lớn tuổi nên sau khi giúp con cháu việc nhà cửa thì cùng nhau hẹn hò cà phê trò chuyện xưa nay. Ngày trước, ai cũng tất bật làm việc kiếm tiền nuôi con, lo cho gia đình. Nay các con đã lớn và có gia đình riêng, nhưng “bà tám” nào cũng vẫn bận rộn vì phụ con chăm cháu và đưa đón cháu đi học. Kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn của gia đình, chúng tôi động viên nhau và bàn về chuyến du lịch cho kỳ nghỉ cuối tuần sắp tới.
Bà Thùy nói: “Già rồi đi gần thôi cho khỏe”. Vậy là, chúng tôi cũng nhất trí theo rồi quyết định du lịch quanh Bình Dương. Theo gợi ý của bà Trang (nhà gần chợ Thủ Dầu Một), sáng sớm chủ nhật này mình hẹn hò cà phê, ăn sáng, xem tập mới của “Tôi yêu Bình Dương” rồi đi tham quan các điểm. Cả nhóm nhất trí, rồi tiếp tục bàn xem nên đến điểm nào trước bằng cách xem đi xem lại những tập phim của “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương phát sóng từ cuối tháng 8-2022 đến nay.
Người thì muốn đi Dầu Tiếng để khám phá quần thể du lịch xanh mát có núi cao, suối trong và hồ rộng lớn rất hữu tình. Người thì muốn đi chùa để cầu bình an cho gia đình và mọi người. Người thì muốn đi thăm làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp để tận mắt xem các nghệ nhân ngày nay tạo tác các sản phẩm kỳ công ra sao. Người thì muốn trải nghiệm xe tự hành không người lái tại thành phố mới Bình Dương.
Bàn bạc một hồi, cả nhóm quyết định sẽ đi tham quan 3 địa điểm: Chùa Hội Khánh, nhà cổ Trần Văn Hổ và làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Lý do cả nhóm thống nhất ý kiến này là vì chúng tôi có nhiều kỷ niệm với những nơi này. Chúng tôi cùng lớn lên và học chung trường ở Phú Cường (TX.Thủ Dầu Một, nay là TP.Thủ Dầu Một) nên những địa danh này cũng thường xuyên đến.
Ngày ấy, sau giờ học chúng tôi thường rủ nhau đi chơi, đến chùa Hội Khánh thắp hương cầu nguyện bình an và thi cử đạt kết quả cao. Nét cổ kính của chùa Hội Khánh cùng sự thoáng mát của những hàng cây luôn tạo cảm giác bình yên mỗi lần đến. Và “Tôi yêu Bình Dương” đã khơi gợi lại trong tôi những ký ức xưa cũ năm nào.
Thấm thoát đã vài chục năm rồi, giờ đây các thành viên trong nhóm “bà tám” đều đã trở thành ông ngoại, bà ngoại, bà nội, ông nội và tỏa ra sống ở các phường khác nhau. Còn nhớ, hồi trước thấy nhà cổ Trần Văn Hổ đẹp lắm nhưng chúng tôi chỉ đi ngang qua mà chưa vào tham quan. Bà Hạnh (nhà ở phường Tân An) nói, “Tôi yêu Bình Dương” của Báo Bình Dương có nhiều góc quay bên trong nhà cổ rất đẹp. Ngôi nhà có dáng dấp nhìn từ ngoài vào hơi thấp, nhưng bộ khung sườn bằng gỗ quý cứng cáp, lòng nhà rộng rãi. Các bức hoành phi được sơn son thếp vàng, các bức liễn, những câu đối cẩn xà cừ đính trên cột rất tinh xảo đẹp mắt. Nhiều đồ trang trí được làm bằng gỗ quý và bày biện sang trọng thể hiện phong cách vương quyền.
Xem làng sơn mài Tương Bình Hiệp qua chương trình “Tôi yêu Bình Dương”, tôi thấy ông Năm Tịnh (nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh) tuy cũng lớn tuổi rồi nhưng tâm huyết với nghề vẫn luôn tràn đầy. Các sản phẩm của Cơ sở sơn mài Định Hòa rất đẹp và phong phú từ chủ đề tranh vẽ đến các chất liệu sơn. Đến giờ mà ở đây vẫn sử dụng sơn ta để tạo tác tranh thì thật sự rất đáng quý.
Những thông tin từ chương trình “Tôi yêu Bình Dương” đã gợi lại trong tôi nhiều ký ức đẹp thời thanh xuân. Sau ngần ấy thời gian, Bình Dương đang từng ngày phát triển và hội nhập, các địa danh cũng trở nên cổ kính uy nghi hơn. Hẹn sẽ đến thăm và chắt chiu thêm những câu chuyện hay, để kể cho các con cháu nghe về những địa chỉ “đỏ” của Bình Dương, để chúng biết tự hào, biết yêu quê hương và sống có ích hơn, biết gìn giữ những giá trị truyền thống và quảng bá với bạn bè ở khắp mọi miền trong nước và quốc tế về “đất và người Bình Dương”.
HẠ THỊ CẨM THÚY (khu phố 7, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)