Lâu nay, khi nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều người thường nhấn mạnh đến các lĩnh vực, các đối tượng trong nền sản xuất công nghiệp, công nghệ mà ít nhắc đến những người nông dân, hay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, khi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, dân số, lao động trong nông nghiệp còn lớn như ở Việt Nam thì rõ ràng, trong bối cảnh của cuộc công nghiệp 4.0, người nông dân, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.
Mới đây, phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP.Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. cho rằng Hội Nông dân cần phải chủ động nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể hiểu việc chủ động nắm bắt những cơ hội ở đây là kịp thời áp dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại trong quá trình sản xuất. Trong thời gian qua, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung đã và đang có những bước tiến vượt bậc. Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp không chỉ giữ vững được thị trường trong nước mà còn xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng về kim ngạch khá cao. Đời sống của người nông dân khắp nơi cũng đã và đang được cải thiện rõ nét, theo hướng không ngững nâng cao. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, những doanh nghiệp và chính những người nông dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các thành tựu về khoa học công nghệ, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành, phát triển mạnh mẽ. Ngay tại Bình Dương, những năm qua, tại các khu vực đô thị cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả. Còn tại các vùng như Bắc Tân Uyên, Phú Giáo... đã hình thành nên các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng nông nghiệp công nghệ cao như Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái và nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả của những người nông dân như nuôi cá sấu, trồng dưa lưới, hoa lan...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh về sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước, khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt. Và mặc dù đã có được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao, thiên tai và dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đặc biệt là tình trạng được mùa mất giá, trồng cây gì, nuôi con gì vẫn còn là một bài toán nan giải đối với người nông dân...
Vậy, làm sao để chủ động nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao...? Có lẽ đây cũng là một vấn đề gợi mở và cũng là những mong muốn chính đáng của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh gửi đến Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023, sắp được tổ chức tới đây.
THÀNH SƠN