Ai cũng biết lợi ích của việc đọc sách đối với đời sống tinh thần của từng người và của toàn xã hội. Nhưng, làm thế nào để ngày càng có nhiều người yêu sách và đọc sách trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nhất là với lớp trẻ, lứa tuổi học sinh? Để tìm lời giải cho bài toán này không phải là chuyện dễ dàng.
Trong xã hội ngày nay, một bộ phận lớp trẻ, học sinh lười đọc sách và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nghe nhìn. Nhiều em thường xuyên tiếp xúc với một số kênh mạng xã hội chứa những thông tin không phù hợp với lứa tuổi. Điều này về lâu về dài sẽ tác động không tốt đến việc hình thành nhân cách, tính cách và khả năng giao tiếp xã hội của các em. Nhiều phụ huynh đã nhận ra điều này và có những cách thức để hạn chế con em mình tiếp xúc với mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và internet. Mà một trong những cách thức đó là khuyến khích các em đọc sách.
Tuy nhiên, nhiều trẻ cảm thấy khó khăn khi đọc sách và không hứng thú với sách. Điều này cũng dễ hiểu khi trẻ em ngày nay có độ tập trung không cao. Vì vậy, ngoài việc vào cuộc của các đơn vị văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu sách đến với các em, cha mẹ chính là người phải theo sát, dìu dắt và gieo trồng thú vui đọc sách trong các em để nuôi dưỡng tâm hồn con em mình. Muốn vậy, cha mẹ phải gần gũi và tạo sự hứng khởi cho con trong việc đọc sách bằng việc biến việc đọc sách thành trò chơi thú vị. Cha mẹ cũng nên thường xuyên chuyện trò, trao đổi với con cái về sách. Đồng thời, cha mẹ hãy là tấm gương yêu thích đọc sách trong gia đình để con cái làm theo và dành khoảng thời gian đọc sách cố định trong gia đình. Có như vậy mới tạo hứng thú về sách trong con trẻ, đồng thời tạo thành thói quen đọc sách hữu ích trong gia đình.
CAO SƠN