Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh: Bình Dương đang nỗ lực làm hết sức mình để bảo vệ người dân, bảo vệ doanh nghiệp

Cập nhật: 29-07-2021 | 09:05:20

Sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, theo đánh giá của tỉnh, các tầng lớp nhân dân, các địa phương, cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rất nghiêm túc. Để có cái nhìn tổng thể về kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh trong 10 ngày qua, thưa ông?

- Qua 10 ngày triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là việc chấp hành của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể người dân ngày càng nghiêm túc và có kỷ cương hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để hạn chế đến mức tối đa sự di chuyển không cần thiết của người dân, của DN và các phương tiện; qua đó góp phần tạo điều kiện để khoanh vùng phòng, chống dịch bệnh một cách tốt nhất.

Để đạt được điều đó tỉnh thực hiện một số công việc, như sau: Tỉnh đã chia ra những khu vực đỏ, cam, vàng và xanh. Từ cách chia trên, tỉnh đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung lực lượng tương ứng với tình hình, theo hướng tăng cường vùng xanh, giảm thiểu vùng đỏ để ngăn và chống được dịch, đưa tỉnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 16, bên trong tỉnh khoanh vùng, tổ chức truy vết, xét nghiệm theo hướng cuốn chiếu. Khi xong khu phố, ấp nào, địa bàn xã, phường, thị trấn nào thì khóa chặt lại để giữ vững vùng an toàn đó. Những vùng có nguy cơ cao, có nhiều ca dương tính thì truy quét nhiều lần để phát hiện F0 và những người có nguy cơ để cách ly, điều trị theo quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm hỏi, trao quà động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Dầu Tiếng

Trong quá trình phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tăng cường chi viện. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và nhân dân tỉnh Bình Dương, tôi bày tỏ sự trân trọng đối với sự chi viện về cơ sở vật chất cho đến con người và chuyên môn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã điều phối một cách hợp lý nhất để các địa bàn được tăng cường một cách phù hợp, lực lượng chuyên môn hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn vừa qua cũng như trong thời gian sắp tới.

- Trong thời gian tới tỉnh sẽ có những giải pháp gì để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn?

- Trên cơ sở Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể như tăng cường biện pháp trong thực hiện giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông của người và phương tiện giao thông. Tỉnh mong muốn tất cả người dân vì sức khỏe của cộng đồng, vì sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình cùng đồng thuận thực hiện. Đối với việc bảo vệ lực lượng tuyến đầu luôn là ưu tiên số một. Đây là những người trực tiếp trên mặt trận, trên chiến trường, tiếp xúc với những người có nguy cơ cao nên cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, được phân bổ và ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng, quan tâm đến công tác điều trị các ca nhiễm Covid-19. Đây là vấn đề hết sức khó khăn, do đó tỉnh rất mong nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia đầu ngành cũng như về các trang thiết bị điều trị cần thiết. Tỉnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương cũng như các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương trong điều kiện, khả năng của mình tiếp tục chi viện cho công tác điều trị các ca bệnh của tỉnh trong giai đoạn tới.

- Thưa ông, hiện nay việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “2 điểm đến, 1 cung đường” tại các DN được tỉnh triển khai ra sao và có những khác biệt gì so với các địa phương khác?

- Thời gian qua, tỉnh có chủ trương chung là công tác phòng, chống dịch bệnh được đặt ở vị trí ưu tiên nhưng không để các hoạt động kinh doanh sản xuất bị đình trệ. Do đó, trong giai đoạn đầu, tỉnh thực hiện theo chủ trương của Chính phủ là DN nào bảo đảm “3 tại chỗ” và phương án “2 điểm đến, 1 cung đường” sẽ tiếp tục được hoạt động. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này đã phát sinh nhiều bất cập. Đặc biệt, trên thực tế đã diễn ra là có ca lây nhiễm trong các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy. Nếu thực hiện theo phương án “2 điểm đến, 1 cung đường” mà đặc biệt điểm đến là nhà trọ, nhà ở cá nhân sẽ phát sinh nguy cơ thành nguồn lây bệnh từ cộng đồng vào DN và ngược lại.

Trước tình hình đó, tỉnh đã thống nhất, nếu DN nào bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ” thì tiếp tục hoạt động và phương án “2 điểm đến, 1 cung đường” theo hướng điểm đến thứ nhất là DN an toàn, nếu trong DN có các ca nghi nhiễm, các ca qua test nhanh và xét nghiệm RT-PCR phát hiện là dương tính thì điểm thứ hai đó là nơi điều trị và nơi cách ly; tuyệt đối không để các ca nhiễm trở về lây nhiễm cho cộng đồng. Như vậy, tại Bình Dương có điểm khác biệt khi vận dụng thực hiện “2 điểm đến”.

Bình Dương đang nỗ lực làm hết sức mình để bảo vệ người dân, bảo vệ DN. Những vấn đề quy định trong giãn cách xã hội, hay trong vấn đề giảm mật độ lưu thông của người và phương tiện giao thông được ban hành là đều mong muốn công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh đạt kết quả tốt nhất. Tỉnh rất mong tất cả người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định đã được Trung ương và tỉnh ban hành để qua đó tạo ra sự an toàn cho chính bản thân, gia đình và các tổ chức, cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

MINH DUY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên