Phú Giáo: Bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 16-12-2015 | 11:18:43

Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế, huyện Phú Giáo còn chú trọng việc bảo tồn và phát triển văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống tinh thần của ĐBDTTS, Phú Giáo thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc anh em sống trên địa bàn.

 Liên hoan văn hóa thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Giáo. Ảnh: T.LÝ 

Hàng năm, vào ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch, ĐBDTTS Sán Chỉ ở xã Tam Lập tổ chức Lễ hội Cầu mùa - lễ hội đặc trưng của ĐBDTTS Sán Chỉ và cũng là lễ hội duy nhất của ĐBDTTS huyện Phú Giáo, được tổ chức thường xuyên nhằm duy trì truyền thống, giáo dục con cháu trong cộng đồng dân tộc người Sán Chỉ phải luôn nhớ về cội nguồn, nhớ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Cứ 3 năm một lần, Phú Giáo tổ chức Liên hoan văn hóa - thể thao ĐBDTTS. Thực hiện chính sách phát triển thể dục thể thao vùng ĐBDTTS hiện nay, trên địa bàn Phú Giáo, các môn thể thao của bà con ĐBDTTS phát triển mạnh như bi sắt, kéo co, đẩy gậy. Hàng năm, huyện tổ chức các giải kéo co, đẩy gậy và bi sắt nhằm tạo sân chơi lành mạnh để các vận động viên có dịp thi đấu cọ xát, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau tiến bộ, tham gia các giải do tỉnh và khu vực tổ chức đạt kết quả cao.

Thông qua thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp, những nét truyền thống văn hóa tiêu biểu của ĐBDTTS; đặc biệt quan tâm triển khai tại các xã có nhiều ĐBDTTS việc xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nhằm xóa bỏ những hủ tục, tập quán vẫn còn tồn tại trong xã hội. Đến nay, Phú Giáo đã triển khai tại 8 xã, thành lập được 50 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 50 nhóm phòng chống bạo lực gia đình và 50 tổ hòa giải trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đi vào hoạt động ổn định và đạt được một số kết quả nhất định.

Để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con ĐBDTTS, Phú Giáo đã thành lập nhóm cán bộdân tộc nòng cốt gồm 11 thành viên. Xây dựng được người có uy tín trong ĐBDTTS là 28 vị. Qua thời gian hoạt động nhóm cán bộ nòng cốt và những người có uy tín đã phát huy hiệu quả trong công tác giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương.

Chính nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính quyền các cấp Phú Giáo luôn quan tâm chăm lo mọi mặt cho ĐBDTTS, đặc biệt là quan tâm bảo tồn, phát triển văn hóa ĐBDTTS đã giúp bà con cùng tiến bộ trong cuộc sống, thêm yêu bản làng, quê hương, đất nước.

Huyện Phú Giáo có 793 hộ ĐBDTTS, với 2.971 khẩu gồm có dân tộc Hoa, Khmer, Nùng, Tày, Chăm, Mường, S’Tiêng, Châu ro, Thái, Sán Dìu, Sán Chỉ, Dao, Thổ, Bana. Các hộ ĐBDTTS sống rải rác, xen kẽ ở các khu phố, ấp của các xã, thị trấn trong huyện.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=807
Quay lên trên