Không biết từ bao giờ, vẻ đẹp của người phụ nữ (PN) Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng sáng tác ở các loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Hình ảnh người PN trong các tác phẩm âm nhạc ở Bình Dương được lồng ghép khéo léo vào các ca khúc với những ca từ đẹp, nhẹ nhàng và luôn làm thổn thức trái tim của bao người.
Hình ảnh phụ nữ luôn được tạo dáng thật đẹp trong các tiết mục văn nghệ ở Bình Dương. Trong ảnh: Tiết mục dự thi văn nghệ của huyện Bắc Tân Uyên trong Hội thi Tiếng hát phụ nữ Bình Dương năm 2016
Cũng như PN ở khắp mọi miền đất nước, PN Bình Dương rất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong kháng chiến, họ phải chịu đựng, hy sinh và cống hiến cả tính mạng mình vì sự nghiệp chung của Tổ quốc. Có những người mẹ mất con, có những người vợ mất chồng… Vì thế với các nhạc sĩ Bình Dương, mỗi khi viết về những PN ấy, cảm xúc tự hào và lòng kính trọng cứ dâng tràn mãi. Viết về các mẹ còn là một cách để thể hiện lòng tri ân. “Trong thời bão đạn, trong thời mưa bom sông mẹ anh hùng, sông mẹ bất khuất… Từng ngày tóc mẹ phai. Từng ngày sóng đổi thay. Mênh mông theo tháng ngày, ôi dạt dào ân tình lòng mẹ Tây Nam” (Lòng mẹ Tây Nam của nhạc sĩ Phan Hữu Lý). Lắng sâu trong những ca khúc ấy, người nghe sẽ dễ dàng cảm nhận được rằng các nhạc sĩ đều dành những tình cảm đẹp nhất, những ca từ đẹp nhất khi viết về PN.
PN trong các sáng tác âm nhạc ở Bình Dương được lồng ghép, được hình tượng hóa rất khéo léo. Khi thì mang dáng dấp rất đỗi tự hào của các mẹ Việt Nam anh hùng như bài Lòng mẹ Tây Nam của nhạc sĩ Phan Hữu Lý, Quê mẹ Bình Dương của cố nhạc sĩ Lê Trung Hiếu… Khi thì dạt dào kỷ niệm với những nỗi nhớ về vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm của các thôn nữ miệt vườn, cô công nhân cạo mủ cao su, hay các cô thợ gốm sứ, sơn mài… Hình ảnh cô thôn nữ với “áo bà ba nghiêng nghiêng nón lá, tóc xõa mượt mà tha thướt lưng thon” cũng là một mảng đề tài rất thu hút nhạc sĩ Bình Dương. Nó như những suối nguồn cảm xúc được thả vào từng giai điệu ngọt như những trái chín quê hương. Những tình cảm đẹp ấy được các nhạc sĩ chuyển tải rất thành công và được đông đảo người mộ điệu yêu thích như: Người đẹp Bình Dương, Tiếng hát chim đa đa, Vẫn là em đó sao của nhạc sĩ Võ Đông Điền; Rừng hát tình em của nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến; Yêu sao dáng sơn mài của nhạc sĩ Phan Hữu Lý; Đưa em về chợ Thủ của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận; Vòng tay bình yên, Tình yêu thôn nữ của nhạc sĩ Thế Phương…
Ngoài ra, hình ảnh các nữ sinh với đôi má ửng hồng, mái tóc thắt bím trong những tà áo dài trắng xinh cũng làm ngất ngây bao tâm hồn người nhạc sĩ. “Tóc bím nghĩa là tóc dễ thương. Tóc bâng khuâng lá rụng bên đường. Tóc chia đường nắng chia thương nhớ. Chia nỗi buồn cho ai vấn vương…”, (Ngày em còn thắt bím, nhạc sĩ Võ Đông Điền).
Viết về PN với nhiều lứa tuổi khác nhau, mỗi dòng nhạc mỗi tấm lòng, mỗi giai điệu mỗi tình cảm được gửi gắm trong từng bài hát như để các nhạc sĩ Bình Dương tri ân, bày tỏ những nỗi niềm bấy lâu chất chứa về đất nước quê hương, về những người phụ nữ đẹp. Nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết, viết về PN có nhiều mạch cảm xúc nhưng cần thể hiện sao cho thật tinh tế và ý nghĩa thì bài hát mới có sức sống lâu bền với thời gian, mới có thể lưu giữ mãi những nét đẹp cả về dáng dấp lẫn tâm hồn của người PN mỗi thời kỳ.
THỤC VĂN