Quốc tổ bền gốc, dân tộc trường tồn

Cập nhật: 15-04-2019 | 19:24:28

Diễn ra ngày 14-4 (tức mùng 10-3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Giỗ tổ Hùng Vương đã kết nối và quy tụ hàng triệu trái tim khắp mọi miền đất nước cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng. Bên cạnh tưởng nhớ các Vua Hùng và những bậc tiền nhân đã có công dựng nước, Giỗ tổ Hùng Vương còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ Quốc giỗ Hùng Vương, lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay sẽ nghĩ suy về truyền thống cha ông, sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Mình từng nói:“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng nhân cách cho đời sau. Thông qua lịch sử, đặc biệt là những trang sử hào hùng của dân tộc, thế hệ đi sau sẽ nắm được truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó chính là yếu tố để vun đắp nên nền tảng đạo đức truyền thống dân tộc. Đúc kết bài học dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng và những bậc tiền nhân, Người nhấn mạnh: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, khi gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dặn dò của Bác đã trở thành “lời hịch” thiêng liêng của non sông đất nước, vang vọng trong tâm hồn các thế hệ con dân đất Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc. Lời dặn của Bác khái quát cả mấy ngàn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “giữ nước” là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân, bởi nhân dân là gốc của đất nước. Đấy chính là “kế sâu rễ bền gốc” mà ông cha ta đã truyền lại.

Thực hiện lời dạy của Người, hàng năm người dân trên mọi miền đất nước đã cùng nhau hành hương về miền đất Tổ, đốt nén nhang thơm vun đắp trầm tích lịch sử, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ nén nhang thơm dâng lên Quốc tổ, mọi người sẽ xích lại gần nhau làm tăng thêm sức mạnh cội nguồn, tăng thêm khối đại đoàn kết muôn người như một. Đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu, được hun đúc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc nên xuyên suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đoàn kết dân tộc luôn là một trong những yếu tố quyết định sự thành công.

Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến đổi khôn lường, để “cùng nhau giữ lấy nước” như lời Bác Hồ căn dặn, sức mạnh cội nguồn, tinh thần dân tộc phải được củng cố, phát huy. Và, Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm chính là dịp để mỗi công dân mang trong mình dòng máu “Lạc Hồng” đồng tâm hiệp lực, cống hiến tài năng và sức lực xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=414
Quay lên trên