Quyết tâm đưa TP.Thuận An trở về trạng thái “bình thường mới”

Cập nhật: 14-08-2021 | 13:27:16

(BDO) Mặc dù TP.Thuận An là một trong những điểm nóng của tỉnh với nhiều ca nhiễm Covid-19, tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện thành công Kế hoạch số 146/KH-BCĐ ngày 7-8-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19, đưa tỉnh Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-9-2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thuận An đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. P.V Báo Bình Dương đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, xung quanh vấn đề này.


TP.Thuận An triển khai gắn bảng “Vùng Xanh” giữ vùng an toàn cho người dân trên địa bàn

- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để thực hiện thành công đưa TP.Thuận An trở về trạng thái bình thường mới, thành phố đã có kế hoạch như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Quyết tâm thực hiện thành công Kế hoạch số 146/KH-BCĐ ngày 7-8-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã ban hành Kế hoạch Xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 đưa TP.Thuận An trở về trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-9-2021. Với mục đích bao vây thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong để đưa TP.Thuận An trở về trạng thái “bình thường mới”; đảm bảo thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương, chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp để xây dựng “vùng xanh”, thực hiện trạng thái bình thường mới theo các mốc thời gian, như: Sau ngày 15-8, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp hoàn thành đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Sau ngày 30-8, phải hoàn tất tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể; 100% các xã, phường kiểm soát được tình hình và thực hiện “xanh” hóa trên toàn địa bàn.

- Để triển khai tốt kế hoạch này, thành phố đã có những giải pháp thực hiện cụ thể nào?

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Bắt tay vào triển khai thực hiện, nhiệm vụ đầu tiên của thành phố đó là phải xác định rõ khu vực có nguy cơ. Cụ thể, trên cơ sở kết quả xét nghiệm sàng lọc diện rộng và căn cứ quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19, thành phố sẽ tổ chức phân tích nhận định, nắm bắt chính xác tình hình như: Chia nhỏ các khu vực, đến tận cơ sở khu phố/ấp, tổ, hẻm,… đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức: “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn; có tính tới các yếu tố khu vực liên ấp, khu phố, liên xã- phường, liên huyện, thị, thành phố để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vắc xin,… cho căn cơ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đối với công tác xét nghiệm, thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 trên địa bàn thành phố (đợt 2 năm 2021). Định hướng biện pháp cách làm để giữ lại thành quả xét nghiệm diện rộng đã làm được và quyết tâm chuyển những “vùng đỏ” thành “vùng cam” rồi trở lại “vùng xanh” của từng địa phương và của toàn thành phố… Với tinh thần khẩn trương, chủ động, quyết liệt hơn nữa để tranh thủ “thời điểm vàng”,“làm đến đâu sạch đến đó”, các địa phương tổ chức thực hiện hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng lần 2 trong cộng đồng.

Song song đó, TP.Thuận An thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện phong tỏa. UBND các xã, phường phải chủ động quyết định bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn quản lý để đảm bảo giữ vững “vùng xanh”; đồng thời tăng cường hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng, đặc biệt là Tổ Covid ở các khu nhà trọ. Các địa phương theo phân cấp quản lý địa giới hành chính của mình phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; giám sát, nhắc nhở, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch theo quy định và trong việc thực hiện Chỉ thị số 16. Trường hợp để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của địa phương đó sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định. 

- Đối với các doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, thành phố sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Đối với các doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Công an thành phố tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch trong doanh nghiệp và chỉ cho phép hoạt động đối với những doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện và an toàn; tăng cường hoạt động các Tổ An toàn Covid trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cho ngừng hoạt động phải tổ chức trật tự, an toàn và sàng lọc xét nghiệm (âm tính) trước khi cho công nhân lao động rời khỏi doanh nghiệp về địa phương nơi cư trú. 

- TP.Thuận An là địa bàn có số lượng công nhân đông, nhiều doanh nghiệp đăng ký sản xuất “3 tại chỗ”. Việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là vấn đề hết sức cấp bách để trở lại trạng lại bình thường mới. Xin ông nói rõ thêm về vấn đề này? 

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Để thành công được kế hoạch, Ban Chỉ đạo đã đưa ra giải pháp cho công tác tiêm ngừa Vắc xin Covid-19. Cụ thể, thành phố căn cứ số lượng vắc xin do UBND tỉnh phân bổ để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm. Tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đã đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” đang hoạt động nhằm tạo “vùng xanh” trong khu vực doanh nghiệp. Trước mắt, thành phố ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng, gồm: Người dân sinh sống, làm việc tại các khu vực được xác định là “vùng xanh”, các khu nhà trọ có đông người lao động theo cách thức tiến hành xét nghiệm sàng lọc âm tính tới đâu thì triển khai tiêm ngay vắc xin cho những đối tượng này; Người dân sinh sống tại các khu vực tiếp giáp với địa bàn TP.Hồ Chí Minh; Công nhân lao động của các công ty đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất những hàng hóa quan trọng có giá trị cao để góp phần tham gia cung cấp cho các chuỗi cung ứng; Tiến tới, tiêm vắc xin trước cho những người trên 18 tuổi sinh đang sinh sống tại các địa phương có khu vực “vùng đỏ”.

- Bên cạnh mở rộng “vùng Xanh” thì việc bảo vệ “vùng xanh” như thế nào?  

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Trước hết, để giữ những khu vực đang an toàn “Vùng xanh” trên địa bàn, vừa qua thành phố đã triển khai gắn bảng “Vùng xanh”. Để mở rộng Vùng Xanh, bảo đảm 100% các xã, phường kiểm soát được tình hình và thực hiện “xanh” hóa trên toàn địa bàn theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, thành phố tiếp tục gắn bảng “Vùng xanh” và xây dựng Tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh” tới từng khu phố/ấp, tổ dân phố, ngõ hẻm trên từng địa bàn. Ngoài ra, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “xanh hóa” địa bàn; động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đặc biệt, tại những nơi lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bị động hoặc chấp hành không nghiêm các quy định về an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

-Xin cảm ơn ông!

Phương Lê

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1127
Quay lên trên