Không biết từ khi nào, những hàng ranh được trồng bằng cây dâm bụt, dây leo dùng để phân định sân nhà này, sân nhà kia nay dần dần bị thay thế bằng những hàng rào bằng xi măng cứng đơ, vô cảm. Thậm chí có nhà cho gắn nhiều thanh sắt nhọn hoắt, gắn mảnh chai... trên hàng rào như muốn hù dọa người khác và biến nhà mình thành... một pháo đài.
Cũng từ những hàng ranh đất ấy mà không biết bao nhiêu chuyện xích mích của hàng xóm với nhau. Tôi từng chứng kiến cảnh một bà cụ với xấp đơn trên tay đến UBND phường trình báo về việc con hẻm rộng khoảng 1m vốn là lối đi chung của hai gia đình; nơi gắn với kỷ niệm và lớn dần cũng những đứa trẻ của hai gia đình này bỗng nhiên bị người hàng xóm cho rào lại làm nơi để xe máy. Bà có các loại giấy tờ chứng minh con hẻm kia là của chung và cần phải để nguyên hiện trạng. Tuy nhiên nhà hàng xóm thì cho rằng con hẻm nằm trong sổ đỏ của mình! Câu chuyện sẽ còn dài khi địa phương hướng dẫn đưa sự việc ra tòa án giải quyết. Ai thắng, ai thua chưa biết, chỉ biết rằng từ nay tình cảm của hai gia đình sẽ không còn như xưa nữa.
Một trường hợp khác đau lòng hơn, người cháu phải vác đơn đi kiện ông cậu vì con đường vào nhà mình bị cậu rào mất. Người đàn ông ấy rầu rĩ, lo lắng khi giờ có nhà mà mỗi lần vào là gặp khó khăn; mà có về nhà thì cũng khó ở lâu được vì ông cậu cho xây một nhà vệ sinh trên phần đất của ông ấy nhưng nằm trước nhà của đứa cháu trai.
Theo người cháu, trước đây mẹ anh và những người cậu được ông ngoại để lại một phần đất. Sau khi lập gia đình, anh mua thêm mảnh đất nhỏ sau lưng nhà mẹ ruột rồi cất nhà ở. Mảnh đất này không có đường vào nên anh phải đi nhờ con hẻm nhỏ tự mở giữa nhà mẹ anh và ông cậu. Đâu ngờ sự đời thay đổi, nay anh gặp khó khăn khi muốn ra vào nhà mình vì con hẻm này bị chặn bởi người nhà ông cậu... Anh buồn bã cho biết mình còn nhà nhưng không thể ở lâu. Hai đứa con anh thì thường xuyên bị bệnh tật vì khi về nhà thì bị mùi xú uế từ nhà vệ sinh của nhà cậu xông vào, gây ảnh hưởng đến sức khỏe...
Nhiều người cho rằng khi giá đất lên thì tình cảm giữa người và người phần nào ảnh hưởng. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy nhiều gia đình sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng hẻm, để các em nhỏ có không gian vui chơi, người lớn có nơi tập thể dục. Có trường hợp được địa phương vận động đã đồng ý nhường lại một phần đất trước nhà mình làm đường cho các gia đình khác. Những hành động trên không khiến người trong cuộc thiệt thòi, đổi lại họ được nhiều, đó là tình cảm gắn kết giữa xóm giềng, sự tôn trọng của người khác. Có như thế thì mối quan hệ tình nghĩa xóm giềng càng thêm bền chặt!
L.T.PHƯƠNG