Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 vừa tổ chức họp báo công bố tổng thể các hoạt động. Với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, Festival ĐCTT tại Bình Dương hứa hẹn sẽ là “điểm đến lý tưởng” cho tất cả mọi người đã, đang và sẽ yêu mến loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL tặng hoa cho đại diện nhà tài trợ và khách mời tại buổi họp báo
ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Tiếp nối thành công của Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu năm 2014, năm nay, Bình Dương vinh dự được là “người tiếp lửa và tôn vinh di sản văn hóa của miền đất phương Nam”. Buổi họp báo đã thu hút đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, các địa phương tham dự.
Sau khi tiếp nhận cờ đăng cai tổ chức Festival lần thứ II, Bình Dương cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức họp bàn để đi đến thống nhất kế hoạch, phương án tổ chức Festival. Theo đó, Festival quy tụ nhiều nghệ nhân đến từ 21 tỉnh, thành phía Nam. Các hoạt động chính của Festival gồm: Đêm khai mạc với chủ đề: “ĐCTT Nam bộ - Báu vật đất phương Nam”. Cạnh đó còn có không gian ẩm thực Nam bộ diễn ra hàng đêm từ ngày 8 đến 12-4 tại khu bờ hồ công viên TP.Mới Bình Dương. Tiếp đó là Hội thi nghệ thuật ĐCTT với chủ đề “ĐCTT - Di sản đất phương Nam”. Các hoạt động khác như: Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc ĐCTT Quốc gia lần thứ II, chương trình giao lưu với nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ĐCTT cũng sẽ được diễn ra từ ngày 8 đến 14-4.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tổ chức thêm một số hoạt động bổ trợ như triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh: “Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương”; triển lãm tranh, ảnh về nghệ thuật ĐCTT kết hợp với các tour du lịch phục vụ du khách tham gia vào Festival... Đêm bế mạc Festival sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 12-4 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương.
Để quảng bá cho Festival ĐCTT, Ban tổ chức đã chọn hoa hậu năm 2016 Đỗ Mỹ Linh. Cùng có mặt với hoa hậu Đỗ Mỹ Linh có bé Bảo Ngọc, 5 tuổi - á quân “Gương mặt thân quen nhí” đến từ vùng đất ĐCTT Cần Thơ. Có mặt tại buổi họp báo, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cảm thấy hạnh phúc khi được là gương mặt đại diện cho loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cô hứa sẽ nỗ lực quảng bá nét độc đáo của ĐCTT đến với mọi người.
Với công tác, kế hoạch chuẩn bị Festival ĐCTT của Bình Dương, tại buổi họp báo các phóng viên đã đặt những câu hỏi liên quan đến các hoạt động; đồng thời góp ý để “ngày hội” diễn ra thành công tốt đẹp. Qua các ý kiến của phóng viên, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng: “Như UNESCO từng đề nghị với Việt Nam, không cần phải biến ĐCTT thành một bộ môn bác học mà hãy để đó là loại hình nghệ thuật của công chúng - là món ăn tinh thần của tất cả người dân Việt Nam với chất mộc mạc, giản dị và gần gũi như suốt thời gian qua. Do đó, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo các địa phương phía Nam có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với cuộc sống của người dân Nam bộ”.
Với chủ đề: “Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển”, Festival lần thứ II sẽ tiếp nối sự tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng. Đây là hoạt động thiết yếu nhằm bảo tồn và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014-2020 của Bộ VH-TT&DL; là hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc với nghệ thuật ĐCTT và là sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của công chúng. Bên cạnh đó, Festival còn là hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông, Tây Nam bộ nói chung và của Bình Dương nói riêng.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng ghi nhận sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng Ban tổ chức trong việc tài trợ, hỗ trợ cho Festival. Qua đó bày tỏ mong muốn từ nay cho đến khi kết thúc Festival, các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ quan tâm thông tin chính xác nhiều hơn nữa về Festival để “ngày hội” lớn này thực sự là lễ hội của cộng đồng, là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá “báu vật” đất phương Nam.
“Festival lần này diễn ra tại trung tâm TP.Mới Bình Dương như nói thay lời giới thiệu về Bình Dương năng động, hiện đại, phát triển không chỉ về kinh tế mà còn chăm lo tốt về đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. (Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
MINH HIẾU - THIÊN LÝ